Kỳ vọng sự đột phá từ “Thành phố phía Đông”

Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021. 

Trong đó có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố (TP) trực thuộc TPHCM (tạm gọi là TP phía Đông). Được xác định là khu đô thị sáng tạo phía Đông, được kỳ vọng nơi đây sẽ tạo những đột phá phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ

Trong buổi làm việc (trực tuyến) mới đây giữa Chính phủ với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ ủng hộ đề xuất nói trên của TPHCM. Khu đô thị này hình thành sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân TPHCM. Ngoài Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất nói trên của TPHCM, đề nghị TP sớm hoàn thành đề án cũng như hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý để Chính phủ cũng như các bộ ngành Trung ương xem xét quyết định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, động lực kinh tế của TPHCM cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP. Đây là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, hàng trăm ngàn sinh viên. Khi được thành lập, TP phía Đông dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của TPHCM, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại và sẽ là “quả đấm kinh tế” của TPHCM. Chính vì vậy, UBND TP đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng đề án thành lập TP trực thuộc TPHCM nhằm hình thành và phát triển khu đô thị nêu trên.

Kỳ vọng sự đột phá từ “Thành phố phía Đông” ảnh 1
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, nếu chúng ta sửa luật, có cơ sở pháp lý để mô hình này ra đời được sẽ làm cho TPHCM trở thành Vùng đô thị rất năng động  và các TP nhỏ trong đó được phát triển tự do hơn và tự chủ hơn. Do đó cần phải chuẩn bị cho thật kỹ các cơ sở pháp lý cho mô hình trên chứ không lại giống như trước kia chúng ta từng đề xuất chia TP ra 5 khu vực: Trung tâm và Đông-Tây- Nam- Bắc nhưng không được đồng ý. Theo TS Nguyễn Minh Hòa, hiện nay trên thế giới không phát triển đại đô thị nữa mà chỉ phát triển vùng đô thị hay trong 1 tỉnh có nhiều TP mà các TP đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các Khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng... Dự kiến, TP phía Đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5 km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người. TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc T.Ư.

TPHCM sẽ có một diện mạo mới

Theo nhiều chuyên gia, nền tảng cơ bản hiện nay của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức là hàng chục trường, viện đào tạo đại học, sau đại học, các trường đào tạo nghề với rất đông đảo những người lao động có trình độ, chuyên môn cao. Hàng loạt dự án hạ tầng đã và đang được xây dựng như metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án cầu nối quận 9 sang Đồng Nai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, khu đô thị hiện đại như Thủ Thiêm… ngày càng hoàn thiện.

Đặc biệt sân bay Quốc tế Long Thành đang được gấp rút triển khai sẽ tạo cho phía Đông của TPHCM một diện mạo hoàn toàn mới trong những năm sắp tới. Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ và TP cần xây dựng một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết cho TP mới này. Đề bài quy hoạch cần giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: Trung tâm đô thị nằm ở đâu? Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào? Và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu. Muốn xây dựng một TP, phải xác định trung tâm đô thị ở đâu, làm thế nào phát triển khu trung tâm này để làm nền móng vững chắc, đẩy sức bật tới các khu vực lân cận, tránh đầu tư dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, nếu TP phía Đông không xây dựng hệ thống giao thông riêng kết nối đô thị, thì mạng lưới đường cao tốc, đường vành đai... sẽ nhanh chóng quá tải. Cụm đô thị đại học lấy trục là ngã tư Đại học Quốc gia, tính luôn Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Khu công nghệ cao Sài Gòn, Đại học Fulbright, Suối Tiên, thậm chí kết nối tới cả Đại học Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, tầm quốc tế. Cụm thứ 3 rất quan trọng là logistics. Phải quy hoạch kết nối khu công nghệ Cát Lái, khu đô thị mới, cảng Cát Lái và không thể tách rời các đường vành đai 1, 2, 3 kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).   

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía Đông sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn TPHCM. Tuy về hình dáng, tổ chức không gian, cảnh quan đô thị vẫn phải theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nhưng với tiêu chí tiếp cận giải pháp đô thị thông minh 4.0, tất cả công trình sẽ phải đạt đến trình độ thuận tiện cao nhất, giúp thay đổi mọi hoạt động, nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân. Chọn vùng đất phía Đông là rất phù hợp vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.

Tin cùng chuyên mục