Kỳ vọng quy định mới về cải tạo nhà chung cư cũ

Bộ Xây dựng đang chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NĐ101). Trong đó, nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập gây cản trở việc cải tạo, nâng cấp nhà chung cư cũ hàng chục năm qua.

Điều các địa phương, doanh nghiệp, người dân trông đợi nhiều nhất không chỉ là đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tạm cư hay cơ chế lựa chọn chủ đầu tư, mà quan trọng hơn là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ ra sao.  

Theo các chuyên gia xây dựng, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, không thể để chủ đầu tư và các cư dân tự thỏa thuận lợi ích các bên liên quan, mà cần sự can thiệp mạnh từ phía Nhà nước. Hiện, các cư dân chung cư cũ vẫn đang muốn đền bù với hệ số cao gấp 1,5 hoặc 2 lần về diện tích, trong khi các doanh nghiệp lại không chấp nhận vì các khu chung cư cũ thường nằm ở vị trí trung tâm nên bị hạn chế tầng cao, không đảm bảo lợi nhuận đầu tư. Do đó, Bộ Xây dựng cần xem xét tiếp thu các ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp để thống nhất hệ số đền bù chung, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên. Bên cạnh đó, Nhà nước cần trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại với các nhà chung cư cũ hư hỏng cấp D (rất nguy hiểm). Thay vì phải 100% đồng thuận như các quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, các cơ quan chức năng cần thực hiện cưỡng chế khi có từ 50% chủ sở hữu chấp thuận phương án. Đối với các chung cư không phải cấp D, chủ đầu tư cũng được phá dỡ nếu có trên 70% cư dân đồng thuận. Với việc lựa chọn chủ đầu tư, các doanh nghiệp, địa phương mong muốn Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư cấp C (nguy hiểm cục bộ) là 70%-80%...

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ nhưng đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 1% chung cư cũ được cải tạo sau hơn 20 năm thực hiện kế hoạch. Tương tự, tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện chương trình hành động chỉnh trang đô thị với mục tiêu cải tạo 50% chung cư cũ, đến nay mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới và 3 chung cư đang thi công dang dở. Nhiều ý kiến cho rằng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề xã hội, bài toán kinh tế chỉ là một phần của vấn đề. Mục tiêu phải là đảm bảo cho người dân có chỗ ở tốt hơn, an toàn hơn; quyền lợi của doanh nghiệp được đảm bảo, đồng thời quy hoạch đô thị không bị phá vỡ. Các địa phương, chủ đầu tư và đặc biệt là những người dân sống trong các chung cư cũ đang nóng lòng chờ nghị định sửa đổi sớm được ban hành, vì họ đã phải chờ đợi quá lâu.

Tin cùng chuyên mục