Kỳ vọng những kiến nghị đột phá

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 đang được kỳ vọng có nhiều kiến nghị đột phá, giúp nước ta củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Hôm nay 18-9, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). 

Đây là sự kiện thường niên, vừa khẳng định tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong tiến trình phục hồi và phát triển đất nước, vừa cho thấy cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. 

Dự kiến, sau phiên khai mạc, trong buổi sáng sẽ có 2 hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách đất đai và thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Chiều cùng ngày là phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Điểm mới của diễn đàn năm nay có thể thấy ngay từ tên gọi, đó là đổi từ “Diễn đàn kinh tế Việt Nam” (năm 2021) thành “Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam”, thể hiện rõ hơn chủ trương của Quốc hội về việc gắn kinh tế với xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều phục hồi và có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,4%; thương mại, dịch vụ tăng trưởng nhanh, dần lấy lại được tốc độ phát triển như trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đặc biệt, số thu ngân sách 8 tháng đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, bằng 86% dự toán. 

Mặc dù vậy, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về các cân đối lớn, nhất là áp lực lạm phát, nguy cơ gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine…

Đây là những yếu tố tác động mạnh đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ. 

Còn nhớ tại diễn đàn năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh 2 chữ C - “chính sách” và “cuộc sống” cùng 2 chữ P - “phục hồi” và “phát triển bền vững”. Việc rà soát, gia cố những trụ cột hết sức quan trọng đó sẽ quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất định; cung cấp thông tin xác tín cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là khi Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 tại kỳ họp sắp khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Vì thế, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 đang được kỳ vọng có nhiều kiến nghị đột phá, giúp nước ta củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục