Kỳ vọng du lịch bứt phá

Tận dụng lợi thế, tiện nghi, hạ tầng và hình ảnh thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các tỉnh, thành miền Trung đang tiếp tục đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để khai thác, phát triển du lịch nhanh và bền vững. 
Du thuyền Celebrity Millennium cập cảng Chân Mây để du khách quốc tế tham quan di sản miền Trung
Du thuyền Celebrity Millennium cập cảng Chân Mây để du khách quốc tế tham quan di sản miền Trung
Tuy nhiên, lượng khách tăng trưởng “nóng” trong thời gian gần đây đã khiến ngành du lịch miền Trung bộc lộ những yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn lúc nào hết, ngành du lịch miền Trung đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp, hướng đi phù hợp, tạo nền tảng đẩy mạnh quá trình liên kết, hợp tác, phát triển mang tầm khu vực.
Thiếu và yếu
Năm 2017 được xem là năm đánh dấu sự chuyển mình sôi động của du lịch miền Trung với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, đặc biệt là thành công từ chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Năm APEC 2017 với điểm nhấn là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng, đã mở ra những cơ hội mới trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch khu vực này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì dù ngành du lịch miền Trung cơ bản đã được cải thiện nhưng chưa có sự xoay chuyển nhiều, các năng lực mới chưa được khai thác, phát huy đúng tiềm năng vốn có. Trong đó, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển, được bàn thảo rất nhiều, nhưng chưa thay đổi là bao. 
Thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2016 khách Hàn Quốc đến Huế chiếm 16,23%. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc vươn lên đứng đầu bảng của thị trường khách đến Huế. Năm 2017, lượng khách Hàn Quốc đến Huế còn tăng mạnh hơn, chiếm đến 25,5%. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của khách Hàn Quốc mà du lịch Huế có một năm “ăn nên làm ra”. Các khách sạn 4-5 sao được đa số khách Hàn chọn ở. Dù là dòng khách chủ lực, nhưng Huế hiện chỉ có vỏn vẹn 10 hướng dẫn viên nói tiếng Hàn nên nhiều thời điểm ngành du lịch tỉnh này phải chấp nhận sử dụng một lượng lớn sinh viên, người không chuyên - chỉ qua tập huấn, cấp thẻ tạm, làm hướng dẫn viên. Còn tại Quảng Nam, tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) tương đối thấp (khoảng 20%); chứng chỉ đào tạo viên (khoảng 10%); mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ 40% - 60%, tùy theo bộ phận; khoảng 10% đáp ứng vượt mức kỳ vọng của công việc, chủ yếu ở các khối cơ sở lưu trú du lịch (từ 3 sao trở lên) hoặc doanh nghiệp quốc tế và các cơ sở dịch vụ, du lịch cao cấp. Chính điều này đã tạo nên sự dịch chuyển gay gắt và thiếu hụt về lao động (nhất là lao động lành nghề hoặc cấp quản lý) giữa các doanh nghiệp đã và chuẩn bị hoạt động, nhất là các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống.
Tại diễn đàn “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” tổ chức tại Quảng Nam hồi cuối năm 2017, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những rào cản thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành tại miền Trung chính là chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Cùng với đó, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng để du lịch phát triển vẫn chưa được bao nhiêu. 
Nắm bắt thời cơ
Dải đất miền Trung được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ của núi non với không gian mênh mông của biển cả khiến cảnh quan nơi đây trở nên kỳ thú, tạo nên một hệ sinh thái rất đa dạng. Bên cạnh đó, nơi đây còn là quê hương của 4 di sản và kiệt tác văn hóa được UNESCO công nhận, bao gồm quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Từ những thế mạnh ấy, một thời gian dài những người làm du lịch ở đây đều có chung tư tưởng, không cần làm gì khách cũng đến, không có những thay đổi cho sự phát triển mang tính lâu dài, thiếu những bước đi cần thiết khi nhu cầu của du khách trở nên đa dạng hơn. Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận, đó là quá khứ, còn hiện tại, nhận thức về làm du lịch đã thay đổi. Đó là những chuyển biến về sản phẩm, dự án, hạ tầng. Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế tự tin khẳng định rằng đang chuyển mình mạnh mẽ sau thời gian thoái trào khá dài. Khách đã đến nhiều hơn, Huế nhiều sản phẩm hơn, ngay cả bài toán giải trí về đêm cũng phần nào được giải quyết. Đặc biệt, trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh đầu năm 2018, riêng ngành du lịch của tỉnh được tạo điều kiện như: Chính phủ đồng ý tăng vốn dự án Laguna lên 2 tỷ USD, với các khu giải trí tổng hợp, casino…; bổ sung 2 sân golf; quy hoạch tổng thể Bạch Mã; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài... Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí nhất định và với nguồn thu phí di tích, sẽ cân đối lại để di dời người dân gần di tích... Đây sẽ là “cú hích” để du lịch Thừa Thiên - Huế phát triển cùng hàng loạt dự án phục vụ du lịch sẽ hình thành trong thời gian tới như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Đại nội Huế sẽ hoành tráng hơn; trục đường Lê Lợi (TP Huế) gắn kết với các phố đi bộ ven sông Hương, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, kéo dài đến Công viên Trịnh Công Sơn…
Tại Đà Nẵng, tận dụng lợi thế, tiện nghi, hạ tầng sau khi tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017, địa phương này đang tập trung phát triển loại hình du lịch MICE (sự kiện, hội nghị, hội thảo…). Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Trong khi đó, Quảng Nam ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm tại Hội An và phía Bắc của tỉnh thì việc thúc đẩy du lịch phía Nam vẫn là mục tiêu chủ đạo của ngành du lịch tỉnh này. Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết: Năm 2018, ngành du lịch tỉnh rà soát, đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp… Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch đi đôi với giáo dục về du lịch cho cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ, có chính sách thu hút nhân tài có chuyên môn…

Tin cùng chuyên mục