Kỳ vọng đổi thay bờ sông Sài Gòn

Hệ thống sông Sài Gòn từ lâu được xem là nét đặc trưng của TPHCM, nhưng thời gian qua liên tục bị lấn chiếm hành lang an toàn sông, gây hệ lụy lớn. Do đó, dự thảo phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 vừa được Sở QH-KT trình UBND TPHCM là rất cần thiết trong thời điểm này.
Một đoạn kè sạt lở bờ sông Sài Gòn tại Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: TRẦN YÊN
Một đoạn kè sạt lở bờ sông Sài Gòn tại Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: TRẦN YÊN

Đủ kiểu lấn chiếm, sạt lở gia tăng

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận TPHCM có chiều dài gần 80km. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt dự án nhà ở, chung cư cao tầng đã mọc lên dọc 2 bên bờ sông, nhất là các đoạn ngang qua địa bàn quận 2 (nay là TP Thủ Đức), quận Bình Thạnh. Có nhiều đoạn, chủ đầu tư lấn ra dòng sông vài chục mét. Chạy dọc theo khu Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), hàng loạt dự án, biệt thự san sát sông, có nơi làm hẳn bến du thuyền, lấn chiếm cả hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. 

Còn khu Bình Quới - Thanh Đa chiếm trọn phường 27 và 28 của quận Bình Thạnh, có diện tích 426ha, được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa là điển hình của sạt lở. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên triều cường ngày càng cao và nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

TPHCM đã đầu tư nhiều dự án xây dựng bờ bè, bờ bao chống ngập, sạt lở nhưng tiến độ thi công chậm, cách làm thiếu khoa học nên hiệu quả không cao. Trong các dự án (DA) tiền tỷ mà thành phố đầu tư xây kè chống ngập, sạt lở ở khu Bình Quới - Thanh Đa có DA chống sạt lở kênh Thanh Đa và DA chống sạt lở sông Sài Gòn. Các công trình đều do Khu quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT TPHCM) làm chủ đầu tư với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, DA chống sạt lở sông Sài Gòn có quy mô chiều dài 8.810m, với tổng kinh phí lên đến 981 tỷ đồng. Nhưng theo các đơn vị thi công, dự án chậm tiến độ vì không có mặt bằng sạch. 

Đi thuyền cặp theo bờ sông Sài Gòn từ bến thủy nội địa Trung tâm Thể dục thể thao Thanh Đa đến Bến đò Bình Quới, chúng tôi gặp nhiều đoạn kè mới xen đoạn kè cũ. Cứ hết đoạn kè chừng trăm mét được xây dựng kiên cố bằng cọc bê tông, lại đến đoạn kè cũ lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng hay vài căn nhà cũ nhô ra sông. Những đoạn bờ đất trống đầy cỏ dại vừa mất mỹ quan đô thị, vừa không phát huy hiệu quả về chống ngập, ngăn sạt lở. 

Phát triển hành lang dọc sông 

Đánh giá về hiện trạng bờ sông Sài Gòn, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng, việc thiết kế, khai thác các công trình trên hành lang sông phải đảm bảo sự tiếp cận thuận tiện của người dân. Theo các chuyên gia, do không có đường dọc bờ sông, nên người dân thành phố chỉ có thể tiếp cận bờ sông Sài Gòn một đoạn ngắn dọc Công viên Bạch Đằng. Chỉ những nơi chưa có công trình như khu vực Bình Quới - Thanh Đa, Cần Giờ hay Hóc Môn, Củ Chi mới có thể nhìn thấy dòng sông từ trên bờ.

Trước thực tế nêu trên, Sở QH-KT vừa trình UBND TPHCM dự thảo phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025. Một trong những định hướng của đề án là xác định tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, nguyên tắc, các tiêu chí đầu tư xây dựng phát triển kè sông, kinh tế dịch vụ ven sông, thông qua việc phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng. Ý tưởng của dự thảo quy hoạch này là đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông. Từ đó hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng (bao gồm chức năng về giao thông thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế, dịch vụ). 

Về giải pháp đầu tư, theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, ngành chức năng cần tăng thêm mức đầu tư từ ngân sách TPHCM cho công tác liên quan đến bảo vệ, cải tạo chỉnh trang và phát huy lợi thế sông rạch. Trước mắt tập trung cho công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án nhằm kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP; xây dựng các cơ chế linh hoạt nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, xã hội hóa các dự án cải tạo chỉnh trang sông Sài Gòn.

“Thực hiện tái tạo đô thị ven sông Sài Gòn sẽ góp phần làm gia tăng giá trị bất động sản, bảo tồn các di sản lịch sử và di sản địa phương, góp phần cải thiện chất lượng nước và sinh thái nước, cải thiện các điều kiện môi trường; tạo ra nhiều hoạt động mới cho cộng đồng; thu hút khách du lịch không chỉ ở cấp khu vực, mà còn trên toàn quốc và quốc tế; từng bước cung cấp nhiều nơi ở mới, cung cấp việc làm mới”, kiến trúc sư Khương Văn Mười nhấn mạnh.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2021, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết sẽ xem xét hơn 100 dự án đang vi phạm ven sông Sài Gòn, phân loại cái nào tồn tại được, cái nào phải đảm bảo theo quy hoạch để có thể bảo vệ và phát huy hết giá trị của dòng sông.

Tin cùng chuyên mục