Kỷ vật, ký ức và niềm tin

“Mở la-dô nghe tin giải phóng tới Bình Long - Phước Long rồi, ai nấy vui mừng ôm nhau. Cơm nước nấu xong dọn ra đó, không ăn mà cũng thấy no, ngày thống nhất cận kề, nôn nao lắm con ơi”, cô Hồng kể. 
Cô Nguyễn Thị Hồng và những tấm hình được chụp tại căn cứ rừng Lộc Ninh
Cô Nguyễn Thị Hồng và những tấm hình được chụp tại căn cứ rừng Lộc Ninh

1. Cái la-dô (radio - cách đọc trại của người Nam bộ) giờ chỉ còn là một cục sắt, nhiều bộ phận bên trong đã rỉ sét và không tìm được linh kiện để thay. Nhưng đó là một phần tuổi xuân, gắn bó với cô Hồng từ những năm tháng ở rừng Lộc Ninh. “Hồi đó, trong rừng không phải một mình cô có la-dô đâu, cũng vài người có. Ngày nào cũng mở la-dô nghe tin tức giải phóng, từ Quảng Trị trở vào, nghe giải phóng tới đâu là mừng tới đó. Có bữa mấy anh chị em mừng quá, người này chạy qua nói cho người kia nghe, rồi sợ nghe không rõ, ai nấy xúm lại để nghe thiệt kỹ…”, cô Nguyễn Thị Hồng (nguyên cán bộ quân báo, Công an vũ trang tỉnh Bến Tre) kể lại.

Cô Hồng tham gia cách mạng, làm quân báo từ năm 18 tuổi, năm 1969 bị địch bắt và đến đầu năm 1973 cô được trao trả. Cô có được cái la-dô là nhờ số tiền dành dụm trong thời gian học tập ở miền Bắc (sau khi được trao trả). Cuối năm 1973, cô Hồng cùng đồng đội vào lại miền Nam, đêm đi, ngày nghỉ. Cuối dãy Trường Sơn - căn cứ nơi rừng Lộc Ninh, cái la-dô được cô mua lại từ một người bạn, cũng gắn bó với cô Hồng từ đây. 

Hết nghe đài giải phóng đến đài Hà Nội, và nó cũng như kỷ vật định tình của cô với chú. Cô Hồng kể: “Hồi trong rừng, bữa nào chú không lái xe thì cô với chú chuyền cái la-dô qua lại mà nghe, hễ hôm nào chú đi lái xe thì cô nghe. Rồi hai đứa hứa hẹn với nhau làm đám cưới sau ngày đất nước thống nhất”. Nhắc cái la-dô rồi nhìn lên bàn thờ cùng di ảnh chú, cô Hồng nói buồn: “Ổng mất ba năm nay rồi…”.

Năm tháng quê hương còn trong lửa đạn, cái la-dô nhỏ dẫu không trực tiếp nơi chiến trường nhưng cũng chuyên chở niềm tin, nỗi mong chờ ngày toàn vẹn non sông của cô Hồng và đồng đội. Nhắc lại tuổi xuân nơi rừng Lộc Ninh năm ấy, cô Hồng kể lại: “Ngoài chuyện nghe đài, cô được giao thêm nhiệm vụ nghe nhạc nữa nghen. Cô hay nghe nhạc trên đài, mấy bài hát như Qua sông, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên Sóc Bom Bo… Nghe rồi mình học hát theo, để mỗi lần sinh hoạt Đoàn trong cứ thì mình chỉ lại cho những anh chị em khác. Chiến tranh vẫn còn mà con, nguồn vui tinh thần đơn giản lắm, chỉ có vậy thôi à, nhưng câu hát nào cũng đầy niềm tin, khí thế hết, lòng ai cũng nôn nao, mong chờ ngày thống nhất”.

2. Chiếc đài do Nhật sản xuất, được phát theo tiêu chuẩn, chú Võ Thanh Tùng, nguyên Phó Vụ trưởng - Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TPHCM, nghe để tổng hợp tin tức và nôn nao theo bước chân đoàn quân giải phóng. 

“Cái la-dô được phát theo tiêu chuẩn, để tôi nghe và tổng hợp tin tức lại cho tập thể. Tôi nghe từ đài ngoại quốc, rồi đài phát thanh giải phóng, đài Hà Nội. Từ Quảng Trị vào, nghe giải phóng về tới đâu là trong bụng mừng lắm, tôi còn nhớ tâm trạng cách ngày 30-4 khoảng nửa tháng, anh em ai nấy khí thế, niềm tin vào chiến thắng cận kề”, chú Tùng kể.

Tiếp nhận kỷ vật từ các cô, các chú, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc các tổ chức, cá nhân trao tặng kỷ vật cho bảo tàng là sự gửi gắm ký ức, tình cảm, sự kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Những năm tháng đó, mọi người vừa làm nhiệm vụ ở R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam), vừa sẵn sàng khi nhiệm vụ cần là phải có mặt ở chiến trường. Làm việc ở Xưởng phim Giải Phóng, công việc chính của chú Tùng là hậu kỳ, tráng phim, chuẩn bị phòng tối… Nhắc lại năm tháng không quên ấy, chú Tùng chia sẻ: “Lúc đó, ai cũng sẵn sàng hai nhiệm vụ, làm trọn việc của mình ở cứ và khi cần thì dọn tất cả xuống hầm bí mật, cầm súng ra chiến trường thôi”.

Ngày 30-4 năm ấy, khi Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, ở căn cứ, chú Tùng cùng đồng đội không kể xiết niềm vui khi giấc mơ hòa bình, độc lập đã thành hiện thực. “Chúng tôi chuẩn bị cho ngày chiến thắng từ rất lâu và rất kỹ, mỗi người đều được giao một nhiệm vụ. Thời khắc đó tôi không có mặt trực tiếp ở Sài Gòn mà trực ở căn cứ, phim quay ở chiến trường gửi về là mình xử lý hậu kỳ, tráng liền… Nghe qua la-dô, mừng không thể nào kể hết, mình toàn thắng rồi”, chú Tùng nhớ lại.

3. Ngày 14-4 vừa qua, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng, với 2 nội dung: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TPHCM. Chiếc la-dô - kỷ vật của một thời tuổi trẻ trong kháng chiến, được cô Hồng và chú Tùng gửi tặng bảo tàng.

“Giữa làn tên mũi đạn, mình còn không sợ chết, lên đường chỉ mong ngày quê hương thống nhất. Bây giờ, hòa bình, độc lập thì tiếc gì đâu một cái la-dô, gửi tặng lại bảo tàng để sau này còn đó mà nhắc chuyện cho lớp trẻ”, cô Hồng bày tỏ.

Có lẽ những năm tháng trường kỳ kháng chiến ấy, tinh thần hy sinh vì cái chung đã trở thành lý tưởng sống của thế hệ các cô, các chú. Gửi tặng bảo tàng chiếc la-dô, bao súng ngắn K54 và K59, thắt lưng, hộp đạn trang bị cho cán bộ Xưởng phim Giải Phóng ngày ấy, chú Tùng nói: “Tôi cất giữ những thứ này bao nhiêu năm như kỷ vật một thời tuổi trẻ mà cả đời không có lại lần thứ 2. Chuyển nhà mấy lần, tôi cũng dặn sắp nhỏ gói ghém cẩn thận. Bây giờ, biết bảo tàng cần, tôi sẵn sàng gửi lại, họ có điều kiện trưng bày và bảo quản tốt hơn là để ở nhà mình. Kháng chiến trường kỳ, bao nhiêu người ngã xuống, kỷ vật còn giữ được cũng chỉ là một phần nhỏ, chỉ mong góp phần nào đó nhắc nhở với lớp trẻ sau này về năm tháng gian lao mà anh dũng của đất nước”.

Những kỷ vật đã chuyên chở câu chuyện của một thời hoa lửa, cụ thể và sống động hơn những bài học khô khan trong sách vở. Xin cảm ơn bao thế hệ đã quên mình cho độc lập dân tộc và cảm ơn những kỷ vật đi ra từ cuộc chiến để lớp người trẻ hôm nay có cái nhìn trọn vẹn hơn. Hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc không phải tự nhiên mà có được…

Tin cùng chuyên mục