Ký ức 40 năm của một nhà giáo

Mới đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Tây Ninh vừa kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng. 

Tại buổi họp mặt, câu chuyện của một nhà giáo là nhân chứng sống trong cuộc thảm sát tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu. 

Ký ức 40 năm của một nhà giáo ảnh 1 Bia tưởng niệm các thầy cô giáo bị Pol Pot sát hại, xã Tân Lập, huyện Tân Biên
 Ông Nguyễn Văn Mừng, 63 tuổi, một giáo viên may mắn còn sống sót sau đợt thảm sát của bọn Pol Pot tại Tân Lập, hồi tưởng: “Thời điểm đó, tôi là giáo viên của điểm trường Tân Chánh, cách điểm trường Tân Thạnh, nơi có các thầy cô giáo bị thảm sát khoảng 2km. Hôm đó là ngày thứ bảy, lẽ ra các thầy cô giáo đều trở về gia đình ở thị xã Hòa Thành như thường lệ hàng tuần, nhưng vì ngày chủ nhật đúng vào ngày Tết Trung thu nên các thầy cô ở lại nhà tập thể làm lồng đèn, chuẩn bị quà bánh để hôm sau tổ chức cho các em học sinh vui chơi. Khoảng 12 giờ khuya, tôi nghe 3 tiếng súng nổ, liền chạy ra xem, thấy bọn Pol Pot đánh bọc hậu từ phía ấp Tân Thạnh đánh lên. Tôi liền kéo gia đình và nhiều người khác chạy ra khỏi nhà, nằm bẹp trong đám lúa. Đến khoảng 4 giờ sáng, thấy tình hình không ổn, sợ trời sáng, bọn giặc sẽ phát hiện bà con trong đám lúa nên tôi bàn bạc với một số người quyết định băng qua đường chạy về hướng Đông, hướng chạy sâu vào nội địa tỉnh nhà... Vậy mà giặc cũng phát hiện, xả súng bắn theo, một vài người bị bắn chết, số còn lại chạy thoát. 

Ngày hôm sau, ở trong rừng hết thức ăn, nước uống, một mình tôi liều mạng mò mẫm trở về nhà tìm gạo thóc và tìm những người thân còn kẹt lại. Trở về đến nơi, tôi thấy người dì ruột mang thai sắp sinh, bị bắn gãy hai chân không đi được, chồng của dì bị bắn chết nằm trên miệng giếng gần đó. Tôi không biết làm sao, chỉ biết kéo người dì vào trong vườn mãng cầu để nằm trong bóng mát, hái vội mấy trái mãng cầu rồi chạy trở lại chỗ bà con đang trốn, đến trưa hôm sau trở về thì người dì đã chết”.  

Khi chiến trường im tiếng súng, ông Mừng và một số người khác tìm gom xác người thân đem đi chôn. Đến khu tập thể của trường Tân Thạnh, ông thấy dưới giếng có nhiều giáo viên bị giết chết. Do các thầy cô nhảy xuống giếng trú ẩn, bọn giặc ném lựu đạn xuống giếng. Một số giáo viên còn lại trốn dưới gầm giường nhà tập thể, bị chúng xả súng bắn chết hết, chỉ còn một thầy giáo kịp chạy cùng với dân về hướng Đông và may mắn thoát chết.

“Sau đó tôi cùng bà con địa phương giúp đỡ người thân, gia đình 11 thầy cô giáo xấu số đem về địa phương chôn cất. Từ đó đến nay, mỗi khi nhớ đến sự kiện ấy, tim tôi cứ như thắt lại”, ông Mừng tâm sự. 

Hiện nay, ở khu tập thể điểm trường Tân Thạnh, nơi có các thầy cô giáo bị thảm sát đã được xây Bia chứng tích tội ác của quân diệt chủng Pol Pot - Ieng Sari.

Tin cùng chuyên mục