Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của ý Đảng lòng dân - Bài 3: Mỗi người dân là một chiến sĩ

Nói về thành tựu chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Thành công này là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác. Nhưng đặc biệt là chúng ta có một nhân dân Việt Nam mà thế giới và nhiều bạn bè nói rằng rất tuyệt vời”. Ý thức của từng người dân và nỗ lực của từng địa phương, nhất là các địa bàn trọng yếu, đã cùng góp phần tạo nên thắng lợi trên mặt trận chống Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) trực tiếp theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) trực tiếp theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

“Ở nhà là yêu nước”

Trước diễn biến vô cùng căng thẳng của dịch bệnh, ngày 31-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 16 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4. Thực hiện mệnh lệnh từ Chính phủ, khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” như một thông điệp thời chiến được lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm.

Cao điểm chống dịch đợt 1 là thời điểm cả miền Bắc tưng bừng bước vào các lễ hội mùa xuân, cao điểm chống dịch đợt 2 là mùa du lịch biển, nhưng để phòng dịch, mọi hoạt động cũng đã dừng lại. Các văn bản không cho phép tổ chức lễ hội, đóng cửa các khu du lịch được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức nhờ sự đồng thuận của người dân. Giãn cách xã hội triệt để chính là điểm khác biệt so với các nước trên thế giới giúp Việt Nam kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh. Hình ảnh những con phố sầm uất ở TPHCM, Hà Nội hay như phố cổ Hội An, bãi biển Nha Trang, Phú Quốc… bỗng chốc vắng tanh, gần như không bóng người qua lại mãi mãi sẽ được nhắc đến như một biểu tượng của “ý Đảng lòng dân”, khi “mỗi người dân đều hóa thành chiến sĩ”, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, để phòng chống dịch, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lần đầu tiên, những lễ hội tôn giáo, lễ hội tín ngưỡng có truyền thống hàng ngàn năm được dừng. Qua dịch đã khẳng định được tinh thần đại đoàn kết và sự đồng thuận của toàn xã hội, của từng người dân chung sức chung lòng cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận người dân đã tuân thủ lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và những chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch. Toàn dân đã thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, đó là nguyên nhân quan trọng giúp chúng ta đạt được thành tựu chống Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng.

Sự tận tâm cao cả

Việc cứu sống bệnh nhân 91 - phi công người Anh trong đợt 1 có thể nói là một kỳ tích của ngành y tế Việt Nam, thậm chí như giới chuyên gia đánh giá, là “chưa từng có trong y văn thế giới”.

“Tôi có tất cả 100% sự may mắn khi ở Việt Nam điều trị. Nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã chết” - bệnh nhân 91 đã thốt lên khi tỉnh lại.

“Những nỗ lực cứu sống anh của các bác sĩ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19” - Hãng CBC News của Canada viết.

Tờ New York Times của Mỹ cũng dành bài viết lớn với tựa đề “Một phi công người Scotland trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 của Việt Nam được xuất viện”.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng gửi thư chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công cho bệnh nhân 91. 

Không dừng lại ở việc chữa trị trong nước, Việt Nam còn sẵn lòng chia sẻ, tương trợ các quốc gia hàng triệu chiếc khẩu trang, hàng chục tấn thiết bị y tế, máy thở đã được tặng hoặc cung cấp cho các quốc gia đang gồng mình chống dịch. Điều đó cũng khiến kỳ tích phòng chống dịch của Việt Nam càng thể hiện rõ tính nhân văn, tình người, lòng tương thân tương ái, khiến bạn bè quốc tế phải nể phục.

Ngày 25-7, sau gần 100 ngày không có ca mắc mới, ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng được công bố, đánh dấu làn sóng dịch đợt 2 bắt đầu. Ngày 30-7, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng được thành lập. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt - đã xin phép Thủ tướng được ở lại tâm dịch Đà Nẵng đến khi hết dịch Covid-19 mới về. Lời xin phép này đã gây xúc động mạnh mẽ trong bối cảnh cả nước căng mình chống lại đợt dịch mới.

Nhắc lại việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không phải chỉ có tôi mà tất cả các anh em ở Bộ Y tế đều có nguyện vọng muốn ở lại Đà Nẵng tham gia công tác phòng chống dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của chúng tôi để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại Đà Nẵng, mang đến bình yên cho đất nước”.

Dịch xảy ra đợt 2 ở TP Đà Nẵng, những ca tử vong đã làm nhiều người lo lắng. Dịch lần này đánh đúng vào Bệnh viện Đà Nẵng và lại vào khoa bệnh nhân rất nặng khiến “giọt nước làm tràn ly”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong tình thế đó, hệ thống y tế của chúng ta vẫn trụ vững. Họ ngày đêm lăn xả để giữ lại những ngọn nến leo lắt đang chực tắt với phương châm “còn nước còn tát”. Chúng ta đã làm tất cả để giảm thiểu tổn thất về người.

Có một chi tiết rất xúc động được GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ, cứ mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”. Ngày 21-8, sau 20 ngày bám trụ, sát cánh chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và một số cán bộ rời TP Đà Nẵng sau khi tình hình dịch Covid-19 tại đây đã được kiểm soát, dần ổn định.

Những bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa sẽ còn được nhắc mãi trong lịch sử ngành y tế Việt Nam. Đó là những câu chuyện rất cụ thể minh chứng cho sự tận tâm của lực lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Các thầy thuốc đã trở thành người lính nơi tuyến đầu, bất kể ngày đêm, có những người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh, có những trường hợp 2 vợ chồng cùng một bệnh viện nhưng cả tháng cũng không được gặp nhau… PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội - một trong những chuyên gia “tinh nhuệ” được Bộ Y tế điều vào chi viện cho Đà Nẵng cho rằng, cứu sống được bệnh nhân mắc Covid-19 là trách nhiệm và cũng là hạnh phúc của tất cả y bác sĩ.

Rồi còn hàng ngàn chiến sĩ nằm rừng canh đường mòn, lối mở, nhường doanh trại cho dân từ những ngày Tết gió rét, mưa dầm đến những tháng hè nắng nóng như thiêu dọc tuyến biên giới... Trong trận chiến với con virus SARS-CoV-2 quái ác “không màu không mùi” này, chúng ta chiến thắng không phải bằng khẩu hiệu mà bằng trình độ y học, khoa học; bằng sự tận tâm, đồng lòng của tất cả các lực lượng, của người dân cả nước. Ở đó, mỗi một người dân, dù ở tuyến đầu hay tuyến sau, đều là một chiến sĩ chống “giặc” Covid-19.

Tạp chí Counter Punch của Mỹ ngày 22-9 đăng bài phân tích về sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 với nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng và dứt khoát ngăn chặn dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay từ Việt Nam đi các nước, tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, truy vết nguồn bệnh, kiểm dịch và giãn cách toàn xã hội trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các hành động của Chính phủ sẽ không thể hiệu quả nếu người dân không phối hợp bằng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và chỉ rời khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Người dân Việt Nam đã đồng lòng coi dịch Covid-19 là kẻ thù vô hình mà cả nước phải đoàn kết chống lại.


Tin cùng chuyên mục