Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đáp ứng mục tiêu kép

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được các địa phương tổ chức theo đúng kế hoạch (từ ngày 8 đến ngày 10-8). Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 900.079; tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi 866.946 đạt tỷ lệ 96,3%; tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 26.308.

Thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do thực hiện cách ly xã hội. 

Đề thi vừa sức với trình độ thí sinh

Ngày 10-8, ngày thi cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cả nước trải qua các môn thi tổ hợp Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ. 

Ghi nhận tại TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL, trong tổ hợp Khoa học xã hội, môn Giáo dục công dân được thí sinh đánh giá dễ lấy điểm nhất. Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Đông Đô, quận Bình Thạnh, TPHCM, phân tích, đề thi có 40 câu hỏi thì 36 câu thuộc chương trình lớp 12; 4 câu liên quan kiến thức lớp 11 nhưng không khó. Trong 36 câu chương trình lớp 12 có 26 câu kiểm tra kiến thức cơ bản, 6 câu hỏi vận dụng thấp và 4 câu vận dụng cao. Nhìn chung, đề thi vừa sức mặt bằng chung trình độ thí sinh, có liên hệ nhiều tình huống thực tiễn như trộm cắp, ma túy, sinh con thứ 3, đưa tin giả….  Cô Châu dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tập trung 8-9 điểm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đáp ứng mục tiêu kép ảnh 1 Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TPHCM, kết thúc thi môn Ngoại ngữ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Riêng với môn Lịch sử, môn thi được nhiều thí sinh đánh giá “khó xơi” nhất trong tổ hợp Khoa học xã hội năm nay, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM, cho biết, đề thi năm nay chủ yếu là kiến thức lớp 12, chỉ có 1 câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 (đề thi tốt nghiệp năm 2019 có 4 câu hỏi thực tế) nhưng cũng là câu hỏi có tính phân loại thí sinh. Trong tổng số 40 câu hỏi có 10 câu hỏi về lịch sử thế giới và 30 câu về lịch sử Việt Nam, phù hợp cấu trúc chương trình bộ môn Lịch sử, không có câu hỏi liên hệ thực tiễn.

Thầy Đăng Du nhận định, những học sinh học lịch sử để “đối phó” sẽ gặp khó với đề thi này, nhưng những em dùng kết quả thi để xét tuyển đại học sẽ dễ dàng hơn. 

Với tổ hợp Khoa học tự nhiên, thầy Nguyễn Tiến Thịnh, giáo viên Hóa, Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết, năm nay đề thi môn Hóa được đánh giá vừa sức, không đánh đố thí sinh, bám sát đề minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố. Trong đó, 30 câu đầu tiên kiểm tra kiến thức cơ bản, trải dài kiến thức chương trình lớp 12 (chủ yếu học kỳ 1), ít câu hỏi kiến thức lớp 11 và không có câu hỏi chương trình lớp 10. Đề thi đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc lý thuyết, có kỹ năng thực hành thí nghiệm. Thầy Tiến Thịnh dự đoán, học sinh có học lực trung bình sẽ dễ đạt 5-6 điểm, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp, riêng học sinh khá, giỏi sẽ đạt điểm 7-8 và phải thật xuất sắc mới có điểm 9, 10. 

Ở môn Vật lý, thầy Vũ Quốc Dũng, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM, cho biết, đề thi năm nay có độ khó tương đương năm 2019, tuy nhiên khó hơn đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Thầy Quốc Dũng dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tập trung ở mức 5-6 điểm, số lượng thí sinh đạt điểm 8-10 không nhiều, điểm 10 sẽ cực kỳ khó.

Với môn Sinh học, giáo viên Nguyễn Thị Thu Sương, Tổ trưởng bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết, đề tập trung chủ yếu chương trình lớp 12. Trong 30 câu hỏi đầu tiên ở mức độ cơ bản, học sinh nắm vững kiến thức sẽ dễ dàng vượt qua. Trong 10 câu cuối có tính phân loại, chỉ có 4 câu vận dụng cao. Với đề thi này, những thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng vượt qua. 

Một số thí sinh phải thi lại vào ngày 11-8

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi chiều 10-8, Bộ GD-ĐT đánh giá, đến thời điểm này, kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu kép là vừa đảm bảo chống dịch vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng. Tùy vào tình hình của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch vào thời điểm thích hợp. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đáp ứng mục tiêu kép ảnh 2 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng động viên các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết, đến thời điểm này chưa phát hiện gian lận có tổ chức. Thí sinh được hỗ trợ tối đa để hoàn thành tốt kỳ thi. Năm nay, có 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 1 thí sinh bị khiển trách và 38 thí sinh bị đình chỉ, giảm so với năm 2019 (có 71 thí sinh bị đình chỉ thi). Số cán bộ vi phạm quy chế thi là 18 cán bộ. Việc 18 giám thị bị xem xét kỷ luật khiến một số thí sinh phải thi lại vào ngày 11-8 (các thí sinh thi lại môn Văn tại Bắc Ninh, môn địa lý ở tỉnh Bình Phước và Điện Biên). 

Cụ thể, 1 phòng thi môn Văn ở Bắc Ninh phải thi lại vào ngày 11-8 do cán bộ coi thi ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi; giám thị bắt thí sinh chép bài lại, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh nên thí sinh và gia đình thí sinh yêu cầu được thi lại. Tại 7 phòng thi môn địa lý ở Điện Biên, giám thị phát đề chậm 5 phút, lại không bù giờ cho thí sinh, do đó thí sinh yêu cầu thi lại. Tại Bình Phước, 1 thí sinh dù chỉ đạt học sinh giỏi môn địa cấp trường nhưng giám thị cho thí sinh miễn thi, do đó phải cho em thi lại.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, đây là một kỳ thi đặc biệt vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học dài ngày, chương trình bị tinh giản. Kỳ thi diễn ra cho phần lớn thí sinh, còn lại các em sẽ thi đợt sau. “Tuy diễn ra trong điều kiện phức tạp nhưng kỳ thi đã diễn ra cơ bản an toàn, khách quan. Các địa phương đều đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Đến thời điểm này có thể nói kỳ thì đã diễn ra an toàn, trừ một số thí sinh phải thi lại bằng đề thi dự phòng vào ngày 11-8”, Thứ trưởng nhấn mạnh

“Áp dụng theo quy chế, các hội đồng thi đã xử lý các giám thị. Các thí sinh ở đây sẽ được thi lại bằng đề thi dự phòng vào sáng 11-8”, ông Mai Văn Trinh cho biết.
Bên cạnh đó, sự cố thiếu đề thi ở Quảng Ninh khiến một số thí sinh phải đợi gần 1 giờ mới được làm bài. Khi xảy ra sự cố, Quảng Ninh đã bổ sung thời gian làm bài thiếu cho thí sinh, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Tuy là giải pháp tình thế nhưng phù hợp, vì thế các thí sinh không phải thi lại
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, tiến độ chấm thi sẽ tiến hành theo kế hoạch. Công tác phòng dịch được các địa phương áp dụng cho cả khâu chấm thi; thời gian chấm thi đề ra đã bảo đảm tiến độ cho cả các thành phố lớn. Ngày 11-8 sẽ tiến hành ngay các bước của khâu chấm thi.

Thi đợt 2 sẽ được Bộ GD-ĐT tổ chức khi dịch đã được khống chế, các địa phương đề xuất thời điểm thi. “Dù thi lúc nào thì đều bảo đảm an toàn, đúng quy chế, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Sẽ thi tại các địa phương, nhưng với một số địa phương chỉ có 1-2 thí sinh thì căn cứ vị trí địa lý, có thể địa phương sẽ có đề xuất phương án phù hợp, lúc đó sẽ tính”, ông  Mai Văn Trinh nói. Với các thí sinh tự do là quân nhân đang phải cấm trại do dịch sẽ thi như các đối tượng thi đợt sau, bảo đảm quyền lợi.

Đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh thi đợt sau

Về công tác tuyển sinh cho thí sinh thi đợt 2, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết đã yêu cầu các trường phải dành chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh thi đợt sau. Hiện tại các trường đang điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp để báo cáo bộ. Bộ GD-ĐT sẽ cùng xã hội giám sát việc này để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

“Công tác tổ chức xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội. Điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự thi đợt 1”, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nói. 

TPHCM: Huy động gần 2.000 cán bộ tham gia công tác chấm thi

Chuẩn bị cho công tác chấm thi an toàn, đúng quy chế, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, TPHCM đã huy động gần 2.000 cán bộ làm phách và chấm thi. Khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp, TPHCM sẽ triển khai cho tổ trưởng, tổ phó và thư ký của tất cả 15 tổ chấm. Sau đó tổ trưởng, tổ phó ở mỗi tổ chấm sẽ chấm chung ít nhất 10 bài để rút kinh nghiệm và xây dựng hướng dẫn chấm dựa trên đáp án của Bộ GD-ĐT, đảm bảo kết quả chấm đồng đều và công bằng giữa các thí sinh. Cuối cùng, hội đồng chấm sẽ chấm kiểm tra 5% bài làm trên tổng số bài thi của thí sinh. Trong đó, công tác chấm kiểm tra tập trung các bài điểm liệt và điểm 9, 10 để rà soát lại lần nữa, đảm bảo tính khách quan, chính xác cho thí sinh.

Điểm khác biệt lớn nhất của công tác chấm thi năm nay là Bộ GD-ĐT đã giao việc chấm các bài thi trắc nghiệm về cho các tỉnh, thành phố thực hiện. “TPHCM đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chấm thi trắc nghiệm của thí sinh dự thi năm nay. Theo đó, quy trình chấm thi trắc nghiệm có sự giám sát liên tục của lực lượng công an và thanh tra. Riêng với việc chấm các bài thi tự luận, TPHCM sẽ tiến hành 2 vòng chấm độc lập ở 2 tổ chấm khác nhau”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Tin cùng chuyên mục