Kỷ niệm vô giá từ những lần gặp Bác

“Ngày tôi được gặp Bác, cũng gương mặt này, ánh mắt này Bác đã trìu mến chia kẹo và dặn dò chúng tôi trong nhiều việc”, bà Lê Thị Bích Trâm (87 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) xúc động khi bắt gặp hình ảnh Bác Hồ qua nhiều giai đoạn tại khu trưng bày không gian văn hóa Hồ Chí Minh - được bố trí ở khu vực tiếp khách hàng của Công ty CP Cấp nước Tân Hòa.

Học Bác đức tính giản dị, chỉn chu 

Gần 70 năm trôi qua, nhưng bà Bích Trâm vẫn nhớ như in kỷ niệm 4 lần được gặp Bác Hồ. Đó là điều đáng nhớ, đáng tự hào nhất trong cuộc đời bà, nên mỗi khi có dịp, bà lại kể cho con cháu nghe.

Bà Lê Thị Bích Trâm xúc động khi tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty CP Cấp nước Tân Hòa.  Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Lần đầu tiên được gặp Bác, khi ấy bà còn nhỏ, đang theo Đoàn Văn công Nam bộ. Khi nghe tiếng các anh chị reo lên “Bác Hồ đến”, bà vội chạy ngay ra khỏi phòng với niềm vui khôn tả. “Vừa xuống xe, Bác đi nhanh vào nhà ăn, vào bếp. Tôi chạy theo và thấy Bác quan sát rất lâu khu nhà vệ sinh, khu tập thể chúng tôi đang ở. Rồi Bác bảo, anh em từ miền Nam ra đây học tập, xa quê hương, xa người thân đã rất vất vả nên chúng ta cần chăm lo chu đáo, dành điều tốt nhất cho anh em để bù đắp”, bà Bích Trâm bồi hồi nhớ. Khi ấy, Bác Hồ mặc bộ quần áo giản dị, và rất gần gũi với mọi người. Thấy bà đứng gần, Bác đưa túi kẹo và nói chia cho các bạn. “Khi tôi chia kẹo xong, Bác đưa tay ra hiệu cho tôi lại gần và hỏi: Phần kẹo của cháu đâu? Lúc đó, tôi mới nhớ ra mình đã chia hết kẹo và không còn phần mình. Bác mỉm cười, lấy từ túi áo ra mấy viên kẹo và nói “đây là phần của cháu”. Tôi xúc động lắm. Những điều nhỏ nhất như vậy mà Bác vẫn rất quan tâm”, bà Bích Trâm chia sẻ.


NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng (83 tuổi) tâm sự, khi tham gia Đoàn Văn công Nam bộ, bà may mắn 4 lần được gặp Bác Hồ. Từ những lần gặp gỡ ấy, tư tưởng, phong cách của Bác đã thấm sâu trong bà suốt những năm tháng sau này, cả trong cuộc sống và trong công việc. NSƯT Ca Lê Hồng kể, chỉ một hành động đơn giản là Bác vừa dọn dẹp gọn gàng bàn ăn của mình sau bữa cơm, vừa cười hiền và nói với các văn nghệ sĩ của đoàn rằng, nếu tự làm được gì thì làm, không nên làm phiền người khác. Cho đến lúc này, đã gần 70 năm trôi qua nhưng hình ảnh dung dị ấy vẫn sâu đậm trong trí nhớ của bà, để rồi trong cuộc sống hàng ngày, bà tự dặn mình phải luôn quan sát, dù ở vị trí nào cũng sống chan hòa và không ỷ lại vào người khác.

Quan tâm đến nhau từ điều nhỏ nhất

Trong những lần gặp Bác, các nghệ sĩ thường được Bác nhắc nhở, làm nghệ thuật phải chú ý giữ gìn tinh hoa, bản sắc của dân tộc; dù có nâng tầm, phát triển, tiếp cận cái mới nhưng chớ “gieo vừng ra ngô”. Tâm niệm lời Bác dạy, trong từng vai diễn, sau này là từng buổi lên lớp, NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng luôn căn dặn bản thân và học trò dù làm gì, diễn xuất thăng hoa đến đâu cũng phải giữ cho được bản sắc của dân tộc, lấy đó làm nền tảng của sự phát triển.

Chiêm nghiệm cuộc đời của mình, NSƯT Ca Lê Hồng đúc kết bản thân đã học Bác sự gần gũi, thấu hiểu, sự dung dị và đầy tình người. Chính những điều ấy đã giúp bà rất nhiều trong những năm tháng làm quản lý cũng như giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Bà luôn dành thời gian dự từng tiểu phẩm, từng buổi diễn của sinh viên. Mọi người cũng hay thấy bà đi thăm học trò, tìm hiểu tâm tư, cuộc sống của sinh viên để chia sẻ, động viên.

“Tôi từng được Bác thăm hỏi việc ăn ở, học tập và động viên rất nhiều khi chân ướt chân ráo từ miền Nam tập kết ra Bắc học tập. Tôi rất cảm động và trân trọng điều đó. Sau này, khi đi giảng dạy rồi làm quản lý, tôi luôn quan tâm đến từng học trò, từng đồng nghiệp bằng tình cảm chân thành nhất”, NSƯT Ca Lê Hồng tâm sự.

Đưa tay vuốt bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, đây là kỷ vật được bà Bích Trâm nâng niu cất giữ. Bức ảnh chụp trước Phủ Chủ tịch, và bà Bích Trâm mặc chiếc áo dài trắng đứng gần bên Bác Hồ. Từ những lần được gặp Bác, bà Bích Trâm hiểu hơn về Người cha vĩ đại của cả dân tộc. Dù ở cương vị lãnh đạo một đất nước, nhưng Bác luôn quan tâm đến những điều rất nhỏ. Đặc biệt chăm lo đời sống thiếu nhi, công nhân lao động. Nhớ lời Bác dạy, gần 20 năm công tác tại Hãng phim Giải Phóng và cả khi về hưu, bà Bích Trâm luôn sống giản dị và hoàn thành tốt công việc. Với vai trò trưởng phòng kế hoạch sản xuất, tổ trưởng công đoàn, bà quan tâm đến cuộc sống anh em, ai có khó khăn bà đều nắm bắt để kịp thời giúp đỡ, động viên. “Từ việc rất nhỏ khi Bác Hồ giữ lại ít kẹo để chia cho tôi, đã giúp tôi luôn nghĩ mình phải làm tốt tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ nhất. Chăm lo anh em, tôi phải quan tâm đến những điều nhỏ trong cuộc sống. Có như vậy mới hiểu và giúp anh em thêm động lực phấn đấu, cống hiến”, bà Bích Trâm chia sẻ. Còn với gia đình, bà luôn là người truyền lửa cách mạng, tình yêu dân tộc cho các con và các cháu noi theo. Nhất là các câu chuyện trong những lần được gặp Bác, giúp con cháu hiểu thêm về đức tính giản dị của Người.

Theo bà Lê Thị Bích Trâm, việc trưng bày những tư liệu, sách, hình ảnh về Bác Hồ ngay khu vực tiếp khách hàng tại một doanh nghiệp có ý nghĩa lớn. Điều này giúp nhiều người dân có cơ hội tham quan, tìm hiểu để thấm nhuần, học tập theo tấm gương của Bác. Không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận các tư liệu về Bác, do vậy việc hình thành các không gian văn hóa Hồ Chí Minh như thế này là điều rất quý, cần được nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục