Kỷ niệm về cô Bảy Vân


Được tin cô Bảy Vân (bà Nguyễn Thị Vân, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo SGGP) về với tổ tiên, tôi không khỏi bàng hoàng. Những kỷ niệm về cô Bảy vẫn còn y nguyên trong ký ức của tôi. 
Đồng chí Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân) tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân) tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi nhớ cách đây đúng 10 năm, từ Bộ TT-TT, tôi về nhận nhiệm vụ ở Báo SGGP. Trong bộn bề công việc, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TPHCM, tôi cùng Đảng ủy và Ban Biên tập Báo SGGP xây dựng Đề án Phát triển Báo SGGP giai đoạn mới cho phù hợp với tình hình đất nước và thành phố. 

Trên cơ sở thực trạng tờ báo và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chúng tôi xây dựng đề án phát triển báo theo hướng 3 chân: Thông tin - Tuyên truyền; Kinh tế báo chí và Hoạt động xã hội. Phải nói, được thành lập ngay sau ngày Sài Gòn được giải phóng (5-5-1975), Báo SGGP đã là một trong những tờ báo năng động nhất của giới báo chí cả nước bứt phá về nhiều mặt, trong đó có kinh tế báo chí. 

Khi xây dựng đề án này, chúng tôi đã gặp một số cô chú, anh chị trong Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn thời kỳ trước để xin ý kiến.

Tôi nhớ mãi lần đó cô Bảy gọi điện nhắn chúng tôi đến “ăn giỗ” chồng cô là cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn tại nhà riêng ở quận 7. Tôi cùng anh Nguyễn Tấn Phong và chị Nguyễn Thị Tơ (lúc ấy là Phó Tổng Biên tập) đến dự. Trong khi chờ khách đến, cô Bảy hỏi thăm về tình hình tờ báo và động viên chúng tôi đoàn kết, nỗ lực xây dựng tờ báo xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ - nhân dân thành phố và bạn đọc.

Cô Bảy nghỉ hưu đã lâu, nhưng vẫn quan tâm đến Báo SGGP - nơi cô đã có thời gian cống hiến từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Với giọng nhỏ nhẹ, thủ thỉ, nghe cô Bảy nói, tôi thấy cô thật gần gũi và thân thương. Tôi xin ý kiến cô về nội dung dự thảo Đề án Phát triển Báo SGGP, đặc biệt mảng kinh tế báo chí mà cô là một trong những người có kinh nghiệm, tiên phong mở lối.  Nghe xong,  giọng cô Bảy vui hẳn lên: Đúng rồi, phải đi bằng “ba chân” cháu ạ. Cô ủng hộ. Phải phát huy truyền thống và kinh nghiệm của thế hệ trước, mạnh dạn đột phá vào các khâu trọng yếu, khó khăn nhất.

Mặc dù, lúc ấy tôi mới “chân ướt, chân ráo” về Báo SGGP, nhưng tôi đã nghe tiếng tăm cô Bảy từ lâu. Năm 1980, về công tác tại Báo SGGP, cô được phân công phụ trách nội dung -  mảng công, thương nghiệp. Nhưng trước khó khăn về kinh tế của báo, Ban Biên tập phân công cô làm Phó Tổng Biên tập phụ trách kinh tế, thực chất lúc ấy là lo giấy in báo và cơm áo gạo tiền để nuôi đội ngũ cán bộ, PV, CNVC của báo trên dưới 500 người. Chú Ba Trinh, Biên ủy, lo nội bộ.  Cô Bảy trực tiếp lo “vòng ngoài”. Cô lặn lội ra Bắc vào Nam tìm cách mở hướng tháo gỡ khó khăn, trước hết là in và phát hành báo. 

Cô Bảy kể lại, để có giấy in báo, cô “chạy” ra nhà máy giấy Bãi Bằng là nhà máy giấy lớn nhất của cả nước lúc bấy giờ ở ngoài Bắc để xin “nhượng” giấy in báo. Cô còn gặp cả Trung đoàn trưởng một đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ khai thác lồ ô để cung cấp nguyên liệu thêm cho nhà máy giấy Bãi Bằng, đặng nhà máy chia cho Báo SGGP “một số phần trăm” giấy thành phẩm.

Cũng để chủ động có giấy in,  cô Bảy đề xuất xin cấp trên cho xây dựng nhà máy giấy cuộn in báo. Cô Bảy ra Hà Nội trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ lúc bấy giờ là ông Vũ Tuân để nhờ mua máy xeo giấy.

Về TPHCM, cô Bảy đăng ký gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh để xin nhà,  đất làm xưởng in rộng gần 3ha ở Thủ Đức. Chưa hết, cô Bảy còn lên Long Bình ký kết đặt hàng với hợp tác xã trồng đay để có nguyên liệu sản xuất giấy...

Về phát hành, lúc ấy hầu như tất cả  báo chí đều do bưu điện đảm nhiệm, coi như một trong những nhiệm vụ chính trị của họ. Nhưng bưu điện “ôm” nhiều đầu báo nên không tránh khỏi bất cập, như báo đến chậm đôi khi mất, lạc báo. Cô Bảy đề xuất, Báo SGGP phải chủ động phát hành. Một mạng lưới phát hành được triển khai đến từng quận huyện, phường xã và bạn đọc. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Cô Bảy kể tiếp:  Bưu điện không chịu, “kiện dữ lắm”. Chuyện “đến tai” chính phủ. Một ngày nọ, nhân chuyến vào làm việc với thành phố, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng (ông Hai Hùng) gặp Ban Biên tập Báo SGGP để tìm hiểu vấn đề này. Nghe Ban Biên tập, đặc biệt cô Bảy Vân, người phụ trách, trực tiếp báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ủng hộ ngay: “Được. Hay. Các đồng chí cứ làm theo cách đó đi. Tôi sẽ về báo cáo với Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng”. 

Bây giờ nghe chúng tôi xin ý kiến về việc xây dựng đề án kinh tế báo chí, cô Bảy mừng lắm. Cô hứa nếu sức khỏe tốt, cô sẽ đến tòa soạn thăm và góp ý để sớm hoàn thiện đề án báo cáo Thành ủy. 

Ngày 30-3-2009, Thành ủy TPHCM ra Quyết định số 1085-QĐ/TU quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Báo SGGP (giai đoạn 2009 - 2015), có nội dung phát triển tờ báo theo hướng 3 chân, trong đó có kinh tế báo chí. 

Tôi nhớ mãi, một lần Ban Biên tập Báo SGGP tổ chức gặp mặt các đồng chí lãnh đạo báo qua các thời kỳ để xin ý kiến góp ý cho đề cương dự thảo Lịch sử Báo SGGP (1975-2010). Mặc dù không được khỏe, cô Bảy vẫn đến và “leo” lên tận tầng 3, nơi có phòng làm việc của tôi. Gặp tôi, cô Bảy nói: “Còn việc này nữa, cháu và các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Biên tập phải có kế hoạch làm sớm, đó là xây dựng trụ sở tòa soạn tại đây (số 432 - 438 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Đây là ước nguyện của nhiều thế hệ làm Báo SGGP”.

Tôi xúc động trước tấm lòng và trách nhiệm của bậc tiền nhiệm đối với tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. “Dạ, thưa cô Bảy, chúng cháu đã báo cáo Thành ủy và sẽ triển khai sớm trong nay mai” - tôi nói.

Ngày 22-12-2010, đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đảng ủy - Ban Biên tập Báo SGGP đã tổ chức lễ động thổ,  khởi công xây dựng tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo SGGP.

Với trang phục áo dài truyền thống, cô Bảy có mặt từ sớm. Cô Bảy như trẻ lại một thời làm báo cách mạng, đặc biệt những năm tháng gian nan cùng Ban Biên tập và đội ngũ những người làm Báo SGGP tháo gỡ khó khăn, xây dựng nên cơ ngơi và truyền thống năng động, sáng tạo, đi đầu của Báo SGGP.

Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo SGGP đã đưa vào sử dụng cách đây vài năm. Đó thực sự là “cơ ngơi đồ sộ và hoành tráng” - nơi tác nghiệp và sinh hoạt như trong mơ của những người làm Báo SGGP hôm nay. Chắc chắn thế hệ nối tiếp không bao giờ quên công sức của thế hệ đi trước, trong đó có cô Bảy,  một trong những người có công mở hướng làm kinh tế báo chí của Báo SGGP.

Cô Bảy đi xa về cõi vĩnh hằng, gặp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và tổ tiên. Xin thắp nén nhang thơm tưởng nhớ  bà - một chiến sĩ lão thành cách mạng - một nhà báo đã dấn thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta - vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có Báo SGGP! 

TPHCM, đêm 28-10-2018  

Tin cùng chuyên mục