Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2022) và Quốc khánh 2-9: Quê hương cách mạng, còn nguyên tự hào

Từ tháng 8-1945 đến nay diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của cả dân tộc. Trong đó, ký ức và dấu tích những ngày lịch sử của mùa thu 77 năm trước tại “quê hương cách mạng” - Tân Trào (Tuyên Quang) vẫn nguyên vẹn, đầy tự hào. 

Nhân chứng lịch sử duy nhất còn lại

Cụ Hoàng Ngọc là người dân tộc Tày, năm nay 86 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, cụ Ngọc mới 9 tuổi. Cụ là con trai cụ Hoàng Trung Nguyên (mất năm 2006, lúc 88 tuổi), một trong những tự vệ đỏ của bản Tân Trào đã tham gia đón Bác Hồ từ Cao Bằng về Tân Trào ngày 21-5-1945, cũng như cảnh giới, bảo vệ cho Bác Hồ và các cán bộ cách mạng làm việc suốt từ đó đến cuối tháng 8-1945. Cụ Ngọc là nhân chứng duy nhất còn sống ở Tân Trào những ngày lịch sử 77 năm về trước.

Trong câu chuyện dưới mái đình Tân Trào lịch sử, cụ Ngọc cho biết, suốt thời gian Bác Hồ ở trong bản cũng như khi lên lán Nà Nưa (hay còn gọi là Nà Lừa, cách bản khoảng 1km), mặc dù tiếp xúc nhiều, nhưng người dân cả bản chỉ biết Bác Hồ là một cán bộ Việt Minh quan trọng, mà thường gọi là “cán bộ già”. Khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội diễn ra ở đình Tân Trào, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ và tiến quân về xuôi, người dân nơi đây đã nghe nhắc đến tên cụ Hồ Chí Minh, nhưng không một ai biết đó chính là “cán bộ già” ở gần mình.

Phải đến đầu năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ảnh về cho dân bản thì bà con nhìn ảnh mới biết đó chính là “cán bộ già”! “Thì ra, cụ Hồ Chí Minh chính là “ông Ké” (trong tiếng Tày, “Ké” nghĩa là “già”) ở trong làng mình trước đây. Lúc ấy tôi còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ trong bản ai cũng mừng lắm, tranh nhau kể chuyện về “cán bộ già”, cụ Ngọc kể lại. 

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2022) và Quốc khánh 2-9: Quê hương cách mạng, còn nguyên tự hào ảnh 1 Cụ Hoàng Ngọc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP trong đình Tân Trào, Tuyên Quang. Ảnh: QUANG PHÚC

Cụ Ngọc cũng chính là một trong 4 thiếu niên cùng đại diện các thành phần khác trong bản Tân Trào đem gạo, trứng, gà và dắt theo một con bò đến làm quà cho hội nghị Quốc dân Đại hội chiều 17-8-1945. “3 người kia đều đã mất rồi, còn mỗi mình tôi. Ngày đó không đủ quần áo mặc, trẻ con như tôi thường chỉ có áo hoặc quần và đều rách cả”, cụ Ngọc hồi tưởng. Chính vì hình ảnh 4 cháu nhỏ ăn mặc thiếu thốn, rách rưới này mà về sau có người gọi đó là những cậu bé “không quần” tại Quốc dân Đại hội. 

Sau khi tiếp và nhận quà của đoàn đại biểu dân làng Tân Trào tặng đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xoa đầu các cháu nhỏ và nói với toàn thể đại biểu Quốc dân đang họp ở trong đình Tân Trào rằng: “Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc, làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc, để cho các cháu bé, con em chúng ta như những cháu bé này được ăn no, mặc ấm và đi học...”.

Nơi ra đời những quyết sách trọng đại

 Tên xa xưa của vùng đất Tân Trào là Kim Long (có thời gọi là Kim Lộng). Khi Bác Hồ về đây hoạt động, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám, nơi này mới được gọi là Tân Trào, với ý nghĩa là nơi bắt đầu của phong trào cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, xã Tân Trào hợp nhất với xã Hồng Thái (tên cũ là Kim Trận) với tên chung Tân Trào, còn thôn Tân Trào được đặt tên mới thành Tân Lập, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Chính tại thôn Tân Lập này, những quyết sách quan trọng nhất để đi đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng và Bác Hồ quyết định. Khu vực lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm đó, từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng để đi đến quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên cả nước.

Theo quyết định của hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 đồng chí, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo; thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam; 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc. Chính tại chiếc lán nhỏ đơn sơ giữa núi rừng này, trong những ngày đó, khi bệnh nặng, tưởng không qua khỏi, Bác Hồ đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Chiều 16-8-1945, dưới bóng cây đa Tân Trào, đội Quân giải phóng với nòng cốt là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tuyên thệ và tiến về giải phóng Thái Nguyên, hướng về Hà Nội. Tại đình Tân Trào, trong 2 ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội đã làm việc khẩn trương để thống nhất lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của của mặt trận Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (được xem là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc ca, Quốc kỳ... 

“Tất cả đều rạo rực, sục sôi, không khí đông vui khắp nơi, ai cũng tươi cười cả. Người lớn thì lo chuyện canh gác, tuyên truyền, phục vụ, tiếp tế lương thực, trẻ con như tôi thì cái gì cũng thấy lạ, cũng hay và chạy nhảy khắp nơi”, cụ Ngọc nhớ lại.

Từ cái thôn với 22 nóc nhà này, lệnh tổng khởi nghĩa với khí thế hừng hực của cách mạng lan truyền, tuôn chảy về mọi miền đất nước. Cả nước đứng lên, Cách mạng Tháng Tám thành công và đến ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tân Trào thành “quê hương cách mạng” từ đó!

Trong câu chuyện của mình, cụ Ngọc kể cho chúng tôi nghe một chuyện rất khó tin. Đó là việc thôn Tân Trào xưa và Tân Lập nay, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhưng không hề bị một quả bom, viên đạn nào của giặc đụng tới. Kỳ lạ hơn, cụ Ngọc cùng gần 100 người của thôn gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu đủ mọi mặt trận, chiến trường nhưng không ai phải hy sinh. 

Tin cùng chuyên mục