Kỷ niệm 45 năm thành lập Tổng Công ty Điện lực TPHCM - Hành trình của một tập thể lao động anh hùng

Không phải đến tháng 8-1976, ngành điện TPHCM mới ra đời, mà thực ra nguồn và lưới điện Sài Gòn đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Ngay sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, ngành điện cách mạng Việt Nam đã tiếp quản và sớm khôi phục lưới điện, phục vụ nhu cầu của cách mạng và người dân. 

Đến ngày 7-8-1976, Sở quản lý và phân phối điện TPHCM được thành lập, đánh dấu sự thống nhất quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống điện TPHCM của ngành điện cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, với các kỹ sư trẻ tại Trung tâm điều khiển xa lưới điện TPHCM
Từ tên gọi ban đầu Sở quản lý và phân phối điện TPHCM, đến Sở Điện lực TPHCM, Công ty Điện lực TPHCM và ngày nay là Tổng Công ty Điện lực TPHCM - chặng đường 45 năm ấy luôn là dấu son đậm nét trong lòng các thế hệ CB-CNV để nhớ về một thời kiên cường vượt khó, đưa nguồn và lưới điện phát triển xứng tầm với thành phố mang tên Bác.

Ngành điện đi trước một bước

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, trong bề bộn công tác tạo sự ổn định của một thành phố trên 5 triệu dân, Chính quyền cách mạng đã ưu tiên công tác sửa chữa phục hồi, duy trì nguồn điện, các cơ sở cung ứng điện được tiếp quản và nhanh chóng đi vào hoạt động. Thành công bước đầu của thế hệ CB-CNV điện lực đầu tiên là đã duy trì cấp điện ổn định cho sản xuất, tiêu dùng và phục vụ các nhiệm vụ chính trị khác cho thành phố.

Trong giai đoạn này, lưới điện thành phố có khả năng phân phối chỉ ở mức 200MW, tổn thất lên đến trên 20%. Trong điều kiện kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, ngành điện lực thành phố đã vượt lên những trở ngại về cơ sở vật chất, phát huy sáng kiến kỹ thuật, khôi phục bằng được năng lực lưới điện để đưa nguồn điện đến với sản xuất và các vùng chuyên canh ngoại thành. Hàng trăm máy biến thế, nhiều tuyến cáp ngầm xây dựng từ thời Pháp đã được phục hồi và cấp điện trở lại, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trong nội thành.

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, ngành điện lực đã nỗ lực hoàn thành chương trình điện khí hóa cho toàn bộ 6 huyện ngoại thành, trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành sớm nhất mục tiêu điện khí hóa.  Đến năm 1995, sau khi tiếp nhận các nguồn điện mới từ thủy điện Trị An (1988-1990) và đường dây 500kV Bắc Nam (1992-1994), quy mô hệ thống điện TPHCM đã tăng gấp 3 lần so với năm 1985, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của thành phố.

Giai đoạn 1996-2005, Công ty Điện lực TPHCM được thành lập. Điển hình trong giai đoạn này là việc hoàn thành dự án xây dựng trạm truyền tải 220kV Tao Đàn theo công nghệ cách điện bằng khí và cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đầu tiên trong cả nước).  

Từ năm 2006 đến nay, Công ty Điện lực TPHCM không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Đặc biệt, năm 2010, công ty được Bộ Công thương quyết định nâng cấp lên thành Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - là một trong 5 tổng công ty phân phối điện chủ yếu của cả nước. Hoạt động tích cực trên tất cả các mặt, đến năm 2013, EVNHCMC vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, là mốc son đánh dấu những thành quả không ngừng được tiếp nối trong quá trình phát triển lớn mạnh của tổng công ty.

Những thành quả đáng tự hào

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, EVNHCMC liên tục ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào các mặt hoạt động, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từng bước thiết lập các hệ sinh thái số ngành điện. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC, việc chuyển đổi số của EVNHCMC có những thuận lợi nhất định nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin giỏi, được đào tạo bài bản. EVNHCMC còn có lợi thế từ quá trình nhiều năm chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các hoạt động. Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khách hàng, quản lý chỉ số điện và hóa đơn tiền điện thông qua các phần mềm. Điển hình là việc kết nối với các ngân hàng để thiết lập hệ thống thu hộ tiền điện. Nhờ đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực và của ngân hàng đối tác mà không phụ thuộc vào địa bàn sử dụng điện.

Cơ sở dữ liệu về khách hàng đầy đủ và mạng lưới công nghệ thông tin kết nối hoàn chỉnh là lý do EVNHCMC được chọn thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ hơn 2 triệu khách hàng và thực hiện thành công từ năm 2013. Đây cũng là nền tảng ban đầu để tổng công ty triển khai các dịch vụ khách hàng trực tuyến sau này. Đến thời điểm hiện tại, tổng công ty đã số hóa toàn bộ công tác quản lý kỹ thuật. 

Việc số hóa lưới điện trên nền bản đồ GIS còn được kết nối, phục vụ xây dựng Trung tâm điều hành đô thị của TPHCM cũng như khai thác dữ liệu không gian dùng chung của thành phố. EVNHCMC cũng đã chuyển quản lý hồ sơ, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng sang hình thức điện tử, triển khai giao dịch điện tử cho 19/19 dịch vụ về điện. Đồng thời, EVNHCMC kết nối cung cấp dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng hành chính công của TPHCM, tạo nhiều kênh giao dịch trực tuyến như website, ứng dụng trên thiết bị di động (app), trang EVNHCMC trên Zalo… Website và app Chăm sóc khách hàng đã kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống đo xa để cung cấp thông tin tiêu thụ điện hàng ngày cho khách hàng. Từ đây, khách hàng có thể theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày và tương tác với ngành điện một cách dễ dàng.

Ông Phạm Quốc Bảo trải lòng: “Trong các nghị quyết của Đảng luôn khẳng định: Ngành điện có nhiệm vụ phải đi trước một bước - dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là sứ mệnh vẻ vang song cũng vô cùng nặng nề. Nhiều thế hệ CNVC-NLĐ ngành điện luôn phấn đấu, không quản gian lao thử thách, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, qua 45 năm đã chung tay xây dựng thành công một tổng công ty phân phối điện phát triển bền vững với nhiều điểm son đáng tự hào”.

Trở thành doanh nghiệp công nghệ số  

Không tự mãn với thành tích đã đạt được trong chặng đường 45 năm qua, hơn ai hết, CNVC-NLĐ EVNHCMC tự nhận thức điện vẫn là động lực chính với sứ mệnh luôn “đi trước”. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính  quyền phối hợp với Công đoàn cùng cấp tổ chức xây dựng và thực thi Văn hóa doanh nghiệp đến từng đơn vị cơ sở, hình thành tác phong chuyên nghiệp của đội ngũ CNVC-NLĐ. EVNHCMC đã và đang tích cực triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2021-2025”. Trong đó cam kết thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa để hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Không ngừng cải tiến chất lượng các dịch vụ cung ứng điện, đặt trọng tâm là dịch vụ chăm sóc khách hàng; Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và năng suất lao động; Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nâng cao trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp.

“EVNHCMC đã đề ra nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn sắp tới là xây dựng tổng công ty trở thành doanh nghiệp công nghệ số, phát triển ngang tầm các công ty điện lực của các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương; đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển TPHCM nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trước mắt là nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn và trở ngại do tình hình dịch Covid-19 để thực hiện cho được mục tiêu kép của năm 2021 là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch bệnh hiệu quả” , ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

Trao tặng vật tư y tế thiết yếu cho các bệnh viện tuyến đầu
Mới đây, EVNHCMC đã trao cho Bệnh viện Nhân dân 115 số hàng vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chương trình trao tặng vật tư y tế thiết yếu cho các bệnh viện tuyến đầu của EVNHCMC có giá trị hơn 2,6 tỷ đồng, bao gồm: 24.000 bộ đồ bảo hộ level-4, 7.500 khẩu trang 3M-1860, 7.500 kính chống giọt bắn, 32.640 khẩu trang N.95. Kinh phí ủng hộ phần lớn từ sự đóng góp 1 ngày lương của hơn 6.500 CNVC-NLĐ EVNHCMC. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tập thể CNVC-NLĐ EVNHCMC đã ủng hộ 1,8 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và mua vaccine (trong năm 2020 cũng đã ủng hộ 1,8 tỷ đồng); tham gia đóng góp 20 tỷ đồng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủng hộ cho Quỹ vaccine chung của cả nước...

Giảm thời gian mất điện xuống thấp hơn hàng chục lần

Từ việc thành lập Trung tâm điều khiển từ xa lưới điện đầu tiên của cả nước vào năm 2017, EVNHCMC nhanh chóng chuyển đổi sang điều khiển từ xa và vận hành không người trực 100% trạm biến áp 110kV. 100% lưới trung thế được điều khiển từ xa, trong đó 50% được vận hành tự động hoàn toàn. Tỷ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công đạt trên 99%, chuyển tải sự cố dưới 5 phút đạt trên 81%. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lần mất điện bình quân 1 khách hàng trên địa bàn TPHCM là 0,24 lần, tương ứng 16,44 phút/khách hàng, tốt hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tốt hơn hàng chục lần so với năm 2010.

Tin cùng chuyên mục