Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022): “Thủ phủ” thanh long hướng đến phát triển bền vững

Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của địa phương. Đến nay, Bình Thuận đang được xem là “thủ phủ” thanh long của Việt Nam.

 

Bình Thuận đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước
Bình Thuận đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước

Thu hút 30.000 hộ dân tham gia sản xuất

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay, diện tích thanh long toàn tỉnh là hơn 31.000ha, sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 12.400ha cây thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 560ha được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Thanh long được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Sản xuất, trồng thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia quá trình xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 – 80.000 lao động.

Thanh long tỉnh Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở hai hình thức là nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long, trong đó có 18 đơn vị xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, còn lại là xuất khẩu tiểu ngạch.

Về tiêu thụ nội địa, hoạt động mua bán thanh long do doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, đóng gói thanh long thực hiện thông qua các kênh phân phối, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố. Trong đó có các kênh phân phối lớn như: Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam – Hà Nội, Chợ đầu mối Long Biên – Hà Nội, chợ đầu mối chuyên kinh doanh phân phối rau quả tại TPHCM và hệ thống siêu thị trong nước.

Về xuất khẩu chính ngạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 37,1 triệu USD, tương đương với khoảng 31.939 tấn thanh long tươi. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á và hàng loạt các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương. Thanh long xuất khẩu chính ngạch năm 2021 thực hiện 8,3 triệu USD (tương đương 5.560 tấn thanh long tươi).

Đối với xuất khẩu tiểu ngạch, khoảng 70- 80% thanh long Bình Thuận chủ yếu được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua, vận chuyển ra các cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung khá lớn, phần lớn là thanh long Bình Thuận.

Hình thành vùng chuyên canh cây thanh long lớn

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức lại vùng sản xuất, chuyên canh thanh long quy mô lớn, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh thực hiện, nâng cao hiệu quả, hướng đến phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã (HTX), vận động người sản xuất tham gia vào HTX để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; phát huy vai trò của các HTX trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ nhằm đảm bảo sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Cùng với đó, rà soát tình hình sản xuất và xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc; quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại nước ngoài; tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận; phát triển thương mại điện tử, tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Tăng cường thông tin sát với thị trường, chú trọng công tác khuyến nông trong tổ chức huấn luyện đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường Trung Quốc; vận động các thành viên hiệp hội hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP.

Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Bình Thuận, với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu

Để phát triển bền vững cây thanh long trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan, kịp thời cập nhật thông tin mới về các quy định, chính sách nhập khẩu từ phía Trung Quốc cũng như sự thay đổi trong cơ chế kiểm tra hàng hóa để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được và chủ động kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh.

Có chính sách hỗ trợ mời các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản lợi thế của vùng.

Đặc biệt, kiến nghị đưa cây thanh long vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia để có chiến lược xây dựng thành ngành hàng phát triển bền vững; thí điểm mô hình chuyển đổi số đối với ngành hàng thanh long theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục