Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020): Những người lính “tinh thần thép”

Tường - trần nhà đổ sập (do tác động của lượng nhiệt lớn từ đám cháy), bị phóng điện, hít phải khí độc, té từ trên cao… là những rủi ro mà lính cứu hỏa có thể gặp phải bất kỳ ở đâu, lúc nào trong suốt quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH). 

Tuy nhiên, để giành lại sự sống cho người dân, cứu được “cái còn trong cái mất”, những người lính cứu hỏa ở thành phố mang tên Bác chưa bao giờ cho phép mình gục ngã trước “giặc lửa”, hiểm nguy. Họ luôn chiến đấu dũng cảm, thậm chí chấp nhận hy sinh. 

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020): Những người lính “tinh thần thép” ảnh 1 Cảnh sát PCCC-CNCH TPHCM diễn tập nâng cao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn

Xem mạng sống người dân như người thân

“Reng… reng… reng”. Tiếng chuông báo động có cháy liên tục vang lên. Trong vòng 30 giây, hơn 30 cán bộ - chiến sĩ của Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 1, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07; Công an TPHCM) mặc xong quân phục chữa cháy, tuột từ tầng 1 và tầng 2 xuống đất bằng trụ sắt. 3 phút sau, lực lượng cứu hỏa đã tiếp cận hiện trường. Trước mặt, lửa kèm khói đen bốc lên ngùn ngụt ở một căn nhà cao tầng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đại úy Nguyễn Hữu Đạo (tổ trưởng trinh sát) nhanh chóng xác định gốc lửa và số người mắc kẹt. Phương án chữa cháy và cứu nạn được triển khai thần tốc, trong đó cứu người được xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Xe thang nhanh chóng vươn cao để cứu một người đàn ông mắc kẹt (đang đứng trên tấm bê tông cản nước phía ngoài cửa sổ ở tầng 4), tuy nhiên giỏ thang không thể tiếp cận do vị trí nạn nhân đang đứng nằm sâu bên trong. Lúc này, lửa mỗi lúc một cháy lớn, táp ra cửa sổ, nạn nhân càng lúc càng hoảng loạn. Nếu đứng hoặc di chuyển không vững, người đàn ông sẽ rơi xuống đất, do chỉ có bức tường dựa lưng là điểm tựa duy nhất. Trước tình thế nguy cấp, việc cứu người không thể kéo dài hơn, Đại úy Nguyễn Hữu Đạo quyết định cùng 2 đồng đội khác lao vào đám cháy, di chuyển lên các tầng trên, sử dụng dây thừng buộc vào ghế, đu ra ngoài cứu sống nạn nhân. 

Vụ cháy đã trôi qua gần một tháng, tuy nhiên đến nay Đại úy Đạo vẫn trào dâng cảm xúc khi nhắc lại. Anh chia sẻ: “Nguy hiểm lúc đó là rất lớn, bởi đồ bảo hộ mặc trên mình chỉ hạn chế được nhiệt, không chống cháy. Chưa kể, việc đu người ra ngoài trong tư thế chưa sẵn sàng, chưa có sự chuẩn bị kỹ, dễ gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp đó, nếu chần chừ không hành động ngay, khả năng nạn nhân hoảng loạn, di chuyển trượt chân hoặc ngất xỉu, rơi lầu, tử vong là rất lớn”.

Theo anh Đạo, trong chữa cháy, nguy hiểm luôn thường trực, đe dọa tính mạng người lính cứu hỏa. Gian nan, nguy hiểm trong chữa cháy là vậy, nhưng chưa bao giờ anh và đồng đội cho phép mình đầu hàng, gục ngã trước “giặc lửa”. Bởi theo anh Đạo, những người lính cứu hỏa luôn xem mạng sống của người dân như chính người thân của mình. 

Vì công lý, không ngại đối diện hiểm nguy

Giống như chữa cháy, nhiệm vụ cứu nạn đặt ra muôn vàn thử thách, gian nguy; tuy nhiên với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, dấn thân, dũng cảm, mưu trí, thời gian qua, những người lính trên mặt trận cứu nạn của Phòng PC07 (Công an TPHCM) luôn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra. Mới đây, tại tỉnh Cao Bằng, nam thanh niên Hoàng Văn Thái ở thôn Cả Pooc, xã Mã Pa (huyện Hà Quảng) mất tích bí ẩn. Nghi ngờ việc mất tích của nạn nhân liên quan đến một vụ án mạng, công an địa phương vào cuộc điều tra và phát hiện một số đồ vật nghi của nạn nhân nằm gần miệng hang Cốc Chia (huyện Hà Quảng). Do hang sâu, địa hình phức tạp, Công an tỉnh Cao Bằng báo cáo Bộ Công an, xin chi viện các đơn vị cứu nạn để vào hang tìm kiếm chứng cứ, nạn nhân, hỗ trợ công tác điều tra. Nhận lệnh, tổ công tác gồm 6 cán bộ - chiến sĩ của Phòng PC07 (Công an TPHCM) nhanh chóng đến hiện trường. Khảo sát vòng ngoài, các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an ghi nhận hang Cốc Chia có miệng hang rộng 8m, vào trong 10m chiều rộng còn 4m, càng xuống hang càng hẹp và thẳng đứng, chưa xác định được độ sâu. Khi vào hang, bộ đàm và các thiết bị thông tin đều không thể liên lạc ra ngoài. 

Với địa hình phức tạp như vậy, việc tiếp cận vào hang rất khó khăn, có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khi ban chỉ huy bàn phương án triển khai, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH (Phòng PC07,  Công an TPHCM), xung phong nhận nhiệm vụ dẫn đầu 2 nhóm chiến sĩ vào hang. Sau gần 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, Thiếu tá Thành và các đồng đội tìm thấy thi thể nạn nhân (đã phân hủy) ở độ sâu cách miệng hang hơn 200m. Việc tìm kiếm đã khó, quá trình đưa hài cốt nạn nhân ra ngoài còn gian nan hơn. Do hang có nhiều đoạn rất hẹp, thẳng đứng, nên để di chuyển ra khỏi hang an toàn, các chiến sĩ phải chui, bò, đu dây, đặc biệt không ít lần phải dùng tay điều chỉnh kích thước bao đựng hài cốt.

“Nói thật, lúc tìm thấy thi thể nạn nhân trong tình trạng đã phân hủy, giữa hang tối, mình có chút lạnh người. Tuy nhiên, nghĩ đến việc nạn nhân bị kẻ xấu tấn công, chết oan ức, mình quyết tâm đòi lại công lý. Cuối cùng, bao lo lắng, nguy hiểm rồi cũng qua, nhiệm vụ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hang cũng hoàn thành”, anh Thành chia sẻ. 

Trong công việc của người lính chữa cháy - CNCH, khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần. Để cứu mạng sống người dân, chiến thắng trước “giặc lửa”, góp phần giữ bình yên cho thành phố, đất nước, không ít cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH TPHCM đã mãi mãi nằm xuống. Từ năm 1977 đến nay, trong lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH TPHCM có 8 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ. 

Để người dân luôn tin yêu

Sự hy sinh thầm lặng, cao cả của những người lính cứu hỏa đã góp phần rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân được sống trong an toàn, yên bình. Tại TPHCM, những năm qua, với sự nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, số vụ cháy nổ trên địa bàn liên tục được kéo giảm. Với những kết quả đạt được, giờ đây, sau mỗi vụ cháy, vụ cứu nạn, sự tin yêu của người dân với người lính chữa cháy - CNCH càng tăng lên. Với chị Nguyễn Thị Khánh Ly (ngụ ở chung cư Carina Plaza, quận 8), những người lính cứu hỏa TPHCM xứng đáng được gọi là những người lính “tinh thần thép”. “Họ (lính cứu hỏa - PV) là ân nhân của gia đình tôi”, chị Ly bày tỏ sự trân quý khi nhắc lại khoảnh khắc chị và người thân được những cán bộ, chiến sĩ PCCC cứu sống trong vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại chung cư Carina Plaza hồi tháng 3-2018. 

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 (Công an TPHCM), trong chữa cháy, CNCH, rất khó nói trước được điều gì trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, để xứng đáng với niềm tin yêu của người dân, mỗi đảng viên, cán bộ ở đơn vị, từ chiến sĩ đến chỉ huy đều không ngừng phấn đấu, trau dồi kiến thức, nỗ lực tập luyện, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Tôn chỉ công việc của đơn vị là xây dựng và giữ vững hình ảnh người lính cứu hỏa có tâm lẫn tài.

Bác Hồ từng căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều: “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn; Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy; Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Giờ đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng cảnh sát PCCC TPHCM luôn ghi tâm, nỗ lực phấn đấu, học tập và làm theo lời Bác dạy để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm khẳng định.

Tin cùng chuyên mục