Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân: Tấm gương giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đồng chí Võ Văn Ngân, nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Từ thuở nhỏ, trong hoàn cảnh đất nước lầm than bởi kẻ thù xâm lược, đồng chí Võ Văn Ngân đã được gia đình dạy dỗ và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Khi còn ở tuổi thiếu niên, đồng chí đã chủ động tìm kiếm con đường cách mạng thông qua việc gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng), rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Ông Nguyễn Đô Lương (cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân) chăm nom ngôi nhà thờ đồng chí Võ Văn Ngân
Ông Nguyễn Đô Lương (cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân) chăm nom ngôi nhà thờ đồng chí Võ Văn Ngân

Hoạt động cách mạng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ

Năm 1929, khi vừa tròn 17 tuổi, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Ngân là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn (lập vào ngày 6-3-1930 tại làng Đức Hòa). Đây là chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn được thành lập với 7 đảng viên, mà trong đó có 4 anh em ruột của đồng chí Võ Văn Ngân.

Từ 1930-1937, đang trong độ tuổi thanh niên, đồng chí Võ Văn Ngân đã tích cực tham gia hoạt động ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau và góp phần lớn lao vào sự hình thành và phát triển vững chắc của Đảng trong những ngày đầu thành lập. Công lớn nhất của đồng chí là chủ động đề xuất để đưa Trung ương Đảng về căn cứ Bà Điểm - Hóc Môn trú đóng. Trong suốt nhiều năm trú đóng nơi đây, Trung ương Đảng luôn an toàn, không bị giặc phát hiện và đã tổ chức thành công các Hội nghị Trung ương Đảng từ thứ II đến thứ VI.

Năm 1938, đồng chí qua đời sau cơn bệnh nặng khi 36 tuổi. Dù thời gian tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí chỉ 13 năm, nhưng khí tiết, tinh thần đấu tranh, khát vọng của người thanh niên cộng sản Võ Văn Ngân chính là hình ảnh cụ thể nhất để thế hệ sau, đặc biệt là thanh thiếu niên, học tập và noi theo. Bởi bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, cả cuộc đời người chiến sĩ cộng sản trẻ ấy đã hoạt động cách mạng cho đến khi trái tim yêu nước ngừng đập.

Noi theo tấm gương kiên trung

 Năm 2022, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân, là cơ hội để chúng ta khẳng định, tri ân công lao to lớn, noi theo tấm gương kiên trung, phấn đấu, hy sinh của tiền nhân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

TPHCM và tỉnh Long An, nơi đồng chí sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng, đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm. Thông tin tại buổi hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia TPHCM phối hợp tỉnh Long An tổ chức vào ngày 26-10, cùng các thước phim, những quyển sách viết về đồng chí; thông tin tại nhà thờ gia tộc đồng chí tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TPHCM) và các bài viết tuyên truyền… đã giúp lan tỏa tấm gương kiên trung, đầy nhiệt huyết cách mạng của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu Võ Văn Ngân.

Công tác giáo dục truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để từ đó khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường trong thời đại hội nhập phát triển. Thời gian càng ngày càng lùi xa thì, nhất là đối với giới trẻ hiện nay, công tác giáo dục truyền thống càng được đặc biệt chú trọng, với phương thức phù hợp.

Cả nước đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc. Trong văn kiện Đại hội Đoàn các cấp, công tác giáo dục truyền thống là nội dung luôn nhận được sự quan tâm, thảo luận, góp ý từ các đại biểu với mong muốn trong ít nhất 5 năm tới, công tác này đi vào chiều sâu, tác động một cách hiệu quả đến thanh thiếu niên. Song, hiện vẫn còn nhiều ý kiến về phương pháp thực hiện công tác giáo dục truyền thống, về truyền đạt lịch sử đến thanh thiếu niên. Vậy việc thực hiện công tác giáo dục truyền thống là dễ hay khó? Mức độ quan tâm của thanh thiếu nhi đến các vấn đề lịch sử như thế nào?

Theo báo cáo của đề tài khảo sát xã hội “Những nhân tố tác động đến sự tham gia tổ chức đoàn - hội của thanh niên TPHCM hiện nay” do Thành đoàn TPHCM công bố tháng 10-2022, sách lịch sử, văn hóa vẫn là một trong 3 loại sách được thanh niên quan tâm chọn đọc. Còn theo McKinsey&Company, thế hệ Z (từ 15-18 tuổi) có xu hướng đơn giản hóa trong việc tiếp nhận thông tin thông qua hình thức cô đọng, chắt lọc nội dung. Do đó, công tác giáo dục truyền thống cần tăng cường các phương thức trực quan, sinh động. Cần tạo được cảm xúc thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật về nhân vật, sự kiện lịch sử, qua việc tham quan các bảo tàng, các di tích.

Cụ thể, như thông qua kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân, ngoài công tác tuyên truyền chung, các đơn vị có trụ sở trên tuyến đường Võ Văn Ngân cần được trang bị về tiểu sử của nhân vật (thông qua các bảng tên đường, panô, mã QR) để từ đó giúp người trẻ biết những mối liên hệ gia đình giữa đồng chí Võ Văn Ngân với đồng chí Võ Văn Tần; biết các mối quan hệ công tác của đồng chí Võ Văn Ngân với các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Châu Văn Liêm; biết địa danh Đức Hòa, 18 thôn Vườn Trầu…

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh ngày 29-10-1902 tại ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Năm 1925, đồng chí cùng anh trai Võ Văn Tần tham gia Hội kín Võ An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng); rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1929, đồng chí cùng anh trai Võ Văn Tần lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Ngày 6-3-1930, tại làng Đức Hòa, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn được thành lập. Đồng chí Võ Văn Ngân là 1 trong 7 đảng viên đầu tiên của chi bộ.

Tháng 4-1931, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 4-1932, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 3-1935, đồng chí dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và trở về phụ trách Xử ủy Nam kỳ với vai trò Bí thư. Năm 1935, đồng chí lập căn cứ tại làng Tân Thới Nhất - Bà Điểm (trung tâm của 18 thôn Vườn Trầu). Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Ngân, năm 1936, có trên 10 cuộc bãi công lớn của công nhân các hãng. Tháng 1-1937, cuộc biểu tình lớn với 40.000 nông dân, tiểu điền chủ, tá điền từ các tỉnh tại bến cảng Nhà Rồng, đưa yêu sách đòi Toàn quyền Đông Dương thực thi những cải cách dân chủ ở Đông Dương.

Tin cùng chuyên mục