Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022): Khí chất người chiến sĩ cách mạng

Mở đầu câu chuyện về đồng chí Võ Văn Ngân, ông Mai Công Tài, nguyên cán bộ tuyên giáo xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM) nhấn mạnh, đồng chí Võ Văn Ngân đã xây dựng được căn cứ ở khu vực Bà Điểm - Hóc Môn làm địa chỉ tuyệt đối bí mật, an toàn và đề xuất đưa Trung ương Đảng về căn cứ này trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước trong một thời gian dài. Đồng chí Võ Văn Ngân còn là tấm gương sáng về sự cống hiến, hy sinh, phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. 
Chiếc bàn và bộ ván các đồng chí lãnh đạo Đảng từng ngồi hội họp bị cháy sém tại nhà ông Trần Văn Hy
Chiếc bàn và bộ ván các đồng chí lãnh đạo Đảng từng ngồi hội họp bị cháy sém tại nhà ông Trần Văn Hy

Xây căn cứ cách mạng ở 18 Thôn Vườn Trầu

Lật giở những trang sách trên kệ, ông Mai Công Tài chia sẻ, đây là các trang tôi viết về các đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ. Câu chuyện của ông Tài luôn hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Nhắc đến đồng chí Võ Văn Ngân, ông Tài trầm tư: “Đồng chí Võ Văn Ngân đã hoạt động cách mạng bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ cho đến khi trái tim yêu nước ấy ngừng đập. Bởi tinh thần yêu nước đã ngấm dần vào ông từ truyền thống cách mạng của gia đình, nhất là từ người anh trai Võ Văn Tần”.

Giai đoạn những năm 1936 đến khi nổ ra Nam kỳ khởi nghĩa, 18 Thôn Vườn Trầu che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ trung ương về đây hoạt động, được sử sách ghi nhận như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân… 

Năm 1935, đồng chí Võ Văn Ngân được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất tại Ma Cao (Trung Quốc) và được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trở về nước sau đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân trực tiếp chỉ đạo lập lại Xứ ủy và được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, có nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn xứ Nam kỳ. Trong tình thế khó khăn lúc bấy giờ do địch lùng sục, đàn áp, nhiều đồng chí trung ương bị sa vào tay giặc. Đồng chí Hà Huy Tập, khi ấy là Tổng Bí thư và đồng chí Võ Văn Ngân quyết định chọn làng Tân Thới Nhất - Bà Điểm là trung tâm của 18 Thôn Vườn Trầu làm nơi cư trú đóng của Trung ương Đảng. Cuối năm 1935, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, đồng chí Hà Huy Tập và Trung ương Đảng về đóng tại ấp Trung Lân và ấp Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhất (nay là xã Bà Điểm). Cơ sở được chọn đầu tiên là nhà bà Nguyễn Thị Sóc (Hai Sóc), một đảng viên của ấp Tây Bắc Lân cùng nhiều gia đình chí cốt cách mạng khác. Suốt nhiều năm trú đóng nơi đây, Trung ương Đảng luôn an toàn, không bị giặc phát hiện và đã tổ chức các Hội nghị Trung ương Đảng từ lần thứ II đến lần thứ VI. Ông Tài kể và nhấn mạnh, trong câu chuyện này, công lớn của đồng chí Võ Văn Ngân là chủ động đề xuất để đưa Trung ương Đảng về căn cứ Bà Điểm - Hóc Môn trú đóng. 

Đưa tay chạm vào mặt chiếc bàn với những vết cháy lồi lõm, bà Nguyễn Thị Hòa tại địa chỉ 63/5 Ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, chia sẻ, khi bà về làm dâu đã được ba chồng kể về những câu chuyện gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ. Trong đó, ông nội chồng của bà (ông Trần Văn Hy) đã cùng bà con xung quanh đoàn kết để một lòng theo Đảng. Bà chỉ vào các kỷ vật của gia đình giải thích: “Bộ bàn ghế này đã từng là nơi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng ngồi hội họp, trong đó có Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (năm 1939) do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Các cuộc họp khi ấy thường diễn ra trong căn phòng tối. Còn bộ ván kia, nơi các đồng chí lãnh đạo nằm nghỉ ngơi sau các cuộc họp, do vụ hỏa hoạn trong trận Tết Mậu Thân 1968 đã khiến một phần bộ bàn và bộ ván cháy sém, nhưng gia đình vẫn để nguyên dấu vết như nhắc nhớ con cháu về truyền thống của gia đình”. Theo bà Hòa, tại xã Bà Điểm có hơn 20 ngôi nhà dành làm nơi hội họp như nhà bà được gắn bảng “Địa chỉ đỏ”. 

Tấm gương kiên trung, được người dân quý mến

Là người thay mẹ mình (bà Võ Thị Tiếng, con gái đồng chí Võ Văn Ngân) chăm nom nhà thờ ông ngoại tại địa chỉ 12/5M ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, ông Nguyễn Đô Lương, nguyên Chủ tịch UBND quận 8 (TPHCM) không giấu được niềm tự hào khi kể về ông ngoại kiên trung, được nhiều bà con quý mến. 

Thắp nén nhang thơm dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông Lương bùi ngùi: “Ông ngoại mất sớm nên tôi không có cơ hội được gặp mặt, nhưng qua lời kể của má tôi và những gì má làm thì ông là người luôn nghĩ cho thời cuộc, đất nước, nhân dân và rất được bà con quý mến. Rồi khi tôi tham gia cách mạng, gặp các cô, các bác, những người biết ông, ai cũng bảo “ông ngoại bây giỏi lắm, làm gì cũng tốt, nhất là thương yêu bà con quê mình. Bây phải noi gương nhé”. Chính những điều này đã thấm sâu vào ông cũng như anh em trong gia đình luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến sức mình cho Đảng và quê hương.

Theo ông Lương, hầu hết con cháu đều noi gương ông ngoại để vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Câu chuyện chi bộ đầu tiên được thành lập vào ngày 6-3-1930 tại nhà ông Bộ Thỏ, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mà ông Lương được nghe kể lại khiến ông nhớ mãi.

Ông Lương cho biết, con cháu trong gia tộc đã thống nhất để thực hiện tấm liễng với câu: “Ngàn đời trung hiếu” để đặt trong nhà thờ ông ngoại Võ Văn Ngân. Đây sẽ là phương châm sống, cống hiến để truyền lại cho thế hệ sau trong gia tộc. Ông Lương nhớ mãi câu chuyện sau ngày giải phóng, chính quyền có đến nhà thông tin sẽ làm chế độ người có công cho mẹ ông nhưng bà từ chối và từ tốn nói hãy để phần ấy cho những người khó khăn hơn gia đình mình. Mẹ ông cũng dạy, làm việc gì hãy nghĩ đến người xung quanh rồi hãy nghĩ đến mình như những gì ông ngoại đã từng làm.

Đồng chí Võ Văn Ngân là một trong những nhà lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở. Tự rèn luyện để trưởng thành, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí luôn có tác phong làm việc khoa học, bám sát thực tiễn và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Từ một đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đức Hòa (Long An), đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (tháng 4-1931), rồi Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (tháng 4-1932); được Đảng cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3-1935) và Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (tháng 3-1935). 

Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Ngân, hệ thống tổ chức Đảng được phục hồi, phong trào cách mạng được bảo đảm liên tục và phát triển, trong đó nổi lên là các phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ngoài ra, đồng chí đã chỉ đạo các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ nổ ra hầu hết các tỉnh Nam kỳ, đặc biệt là ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Tin cùng chuyên mục