Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022): Xem trọng giới trí thức và những tư duy mới, sáng tạo

Tám mươi sáu năm có mặt trên cõi đời, từ lúc còn là thiếu niên Phan Văn Hòa, con một gia đình nông dân nghèo ở Trung Hiệp, Vĩnh Long, đến khi trở thành Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước, khi thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, chú Sáu vẫn luôn sống một cuộc đời hiến dâng. 

Ông đã để lại trong lòng tất cả chúng ta và bạn bè thế giới một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một ấn tượng khó phai về một người cộng sản chân chính, suốt đời vì dân, vì nước.

Một buổi làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt với các nhà trí thức, năm 1985
Quy tụ được rất nhiều trí thức

Đã có rất nhiều bài báo, sách, tạp chí, nghiên cứu viết về chú Sáu. Chú được xem là “Người thắp lửa”, “Người cận vệ của lịch sử”, “Một cuộc đời hiến dâng”, “Thủ tướng điện”, “Ông Bí thư phá rào”, “Chủ tịch gạo”... Có thể nói, mỗi câu chuyện là một góc nhìn, một mảnh ghép bức chân dung về chú, nhưng có lẽ tất cả đều không đủ để khắc họa một cách đầy đặn về con người của chú Sáu, một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo vì dân tộc, một bộ óc chiến lược, một con người nhân hậu, thủy chung, chí tình, chí nghĩa. Càng đọc, chúng ta càng cảm thấy Bác Hồ kính yêu đã có được một học trò xuất sắc, đất nước và dân tộc có một nhà lãnh đạo xuất sắc với tầm nhìn thời đại, tư duy tiên phong. Ông là con người của cải cách, đổi mới vì những yêu cầu của số đông quần chúng, nhân dân và thời cuộc.

“Nếu có sẵn đường thì đâu cần mở đường”, với tư duy đó ông đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho việc xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Ông là tác giả, là kiến trúc sư của nhiều công trình quan trọng, làm thay đổi diện mạo, biến cái không thể dưới mắt nhiều người thành cái có thể, như: Thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh… Tư duy đó xuất phát từ một bộ óc thông tuệ, một trái tim nhân văn, nhưng không thể không kể đến những trái tim và khối óc được ông cổ vũ cống hiến cho đất nước đã tiếp sức mạnh mẽ cho ông trong hành trình gian khó đó, đặc biệt là giới trí thức.

Nhiều người thường đặt ra câu hỏi, một nông dân chưa học hành tới nơi tới chốn như ông, vì sao lại có thể làm được những điều thần kỳ như vậy? Những câu chuyện của các nhân sĩ, trí thức đã trả lời rất rõ ràng, đầy đủ cho câu hỏi này. Không có gì lạ khi GS Chu Phạm Ngọc Sơn gọi ông là “Người anh cả của giới trí thức”, còn Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lại cho rằng ông là “Mạnh thường quân” của ngành kiến trúc.

Ông khao khát tri thức, vì thế luôn xem trọng giới trí thức và những tư duy mới, sáng tạo. Hầu như không có một quyết định nào của ông ở cương vị người lãnh đạo mà trước đó ông không tập hợp và lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học và tìm hiểu kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. TS Vũ Thành Tự Anh nhận định: “Một phần quan trọng trong nguyên nhân thành công của ông là nhờ ông quy tụ được rất nhiều trí thức, kể cả những người đã từng có quan điểm đối lập”.

Thực ra, cách làm này không phải quá mới mẻ với các nhà lãnh đạo, nhưng cái cách mà ông thực hiện thì quả là khó lẫn vào đâu được vì mang “dấu ấn” Võ Văn Kiệt. Không phải dễ dàng để mọi người có thể chấp nhận, nhất là thời điểm đất nước mới giải phóng, khi ông trọng dụng, quan tâm sâu sắc đến những người trí thức từng làm việc cho chế độ cũ.

Ở phía ngược lại, tâm thế của giới trí thức, nhất là những người đã từng giữ những vị trí cao trong chính quyền cũ, cũng không phải không có những ngóc ngách khó giãi bày. Nhưng tất cả mặc cảm, rào cản đều được xóa mờ. Theo lý giải của nhiều người trong cuộc, đó là nhờ ông không mang nguyên cái “thế” của một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc từ trong rừng trở về. Ông cũng không ngần ngại trong việc học hỏi, tham vấn ý kiến từ những trí thức Sài Gòn cũ, trong đó có cả những người từng là Phó Thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn như ông Nguyễn Xuân Oánh, ông Nguyễn Văn Hảo...

Sử dụng trí thức như cách của ông đòi hỏi một sự dũng cảm, bản lĩnh, đồng thời cũng hết sức chân thành. Tất cả những chuyên gia kinh tế từng được tham gia vào các nhóm cố vấn, nhóm chuyên gia do ông Võ Văn Kiệt thành lập đều có chung nhận định là chú Sáu Dân luôn trân trọng giới trí thức.

Đồng hành cùng trí thức

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng từng nhận xét: “Trong sâu xa, thái độ trân trọng trí thức của chú Sáu ngoài việc đặt để một sự tin cậy, còn hàm chứa một tinh thần đoàn kết dân tộc, một tầm nhìn sâu sắc, sự chuẩn bị nguồn lực phát triển đất nước trong tương lai”. Điều đó thể hiện rõ qua việc ông luôn coi trọng, chọn lọc và sáng suốt tiếp thu ý kiến của các trí thức Việt kiều và các chuyên gia nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong một bài viết, đã nhận định rằng: “Đất nước gặt hái được những thành tựu nhờ sự bừng dậy trí tuệ và tài năng của người người, lớp lớp những công dân gắn bó với sự nghiệp cao cả của Tổ quốc. Đây chính là con đường thực hiện dân chủ mà ông Võ Văn Kiệt theo đuổi một cách nhất quán để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong suốt cuộc đời hoạt động của mình”.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “Ở đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ niềm tin sâu sắc: Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước”. Và vì thế, tuy không bằng cấp, không học vị, nhưng ông được xem là một người trí thức chân chính.

Nhiều người cho rằng, Võ Văn Kiệt đã rất thành công trong việc thu phục trí thức, là nhờ ông chinh phục trái tim từng con người một, rồi kéo họ tham gia vào hành trình mà ông đang đi. Ông sử dụng tài năng, tri thức của mọi người bằng thái độ trân trọng, chân thành thực sự. Ông đã loại bỏ những lăn tăn, những cơn sóng gợn trong trái tim và cái đầu nhạy cảm của giới trí thức về việc họ cho rằng bị sử dụng, rồi sau đó thì “vắt chanh bỏ vỏ”. Họ luôn thấy họ được đồng hành cùng ông.

Điều khiến giới trí thức luôn thương và kính ông vì những gì ông đối đãi họ rất tự nhiên, hào sảng, không có tí kịch nào. Ông cũng không phải cố gắng để làm những điều đó, bởi ông đến với họ bằng trái tim. Mà thường thì cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ được trả lại bằng trái tim.

Khoảng trống mà ông để lại vẫn vô cùng lớn. Hoài niệm, tưởng nhớ, nghiên cứu, học tập, noi gương, làm theo... là những cách mà mỗi người chọn lựa để chú Sáu Dân - người anh cả của thế hệ thứ tư, luôn tồn tại. Điều đó đã trở thành một phần di sản ông để lại hậu thế, góp phần không nhỏ trong hành trình biến những hoài bão của dân tộc, của Bác Hồ và của chính chú Sáu về một đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trở thành hiện thực. Nụ cười Võ Văn Kiệt vẫn luôn rạng rỡ, cổ vũ chúng ta!

Tin cùng chuyên mục