Kỳ nghỉ đột xuất vui, an toàn, hữu ích

Báo SGGP ngày 18-2, có đăng bài “Giúp trẻ tận dụng hữu ích kỳ nghỉ đột xuất”, giảng viên tâm lý đã tư vấn về việc giúp con em tích cực, chủ động, sử dụng hợp lý thời gian nghỉ phòng dịch bệnh lây lan. Vấn đề này được nhiều bạn đọc quan tâm bàn luận, góp thêm ý kiến.
Nên tạo điều kiện cho trẻ em chơi những trò chơi vận động với những nhóm nhỏ. Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG
Nên tạo điều kiện cho trẻ em chơi những trò chơi vận động với những nhóm nhỏ. Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG

Tận dụng livestream

Làm công việc trực fanpage của một trường đại học, trong những ngày nghỉ phòng tránh dịch Covid-19, tôi nhận được nhiều bình luận của sinh viên. Có một số bình luận khiến tôi chú ý: “Nhà trường livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) dạy học đi, chứ tụi em online cả ngày, xem phim hoài cũng chán”. Bình luận này đặt ra một vấn đề: chuyện học online trong những ngày này nên ứng dụng livestream.

Trên trang Giáo dục Báo SGGP ngày 19-2, có đề cập việc đa dạng hóa hình thức học tập tại nhà, đó là giải pháp rất hay trong kỳ nghỉ đột xuất này, các trường học nên tận dụng phương tiện truyền thông sẵn có trên để dạy. 

Việc dạy học, hướng dẫn ôn tập livestream sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Tất nhiên, lớp học livestream sẽ có thể gặp nhiều vấn đề (như học sinh, sinh viên không mở học, đường truyền bị lỗi, khả năng tương tác không tốt bằng dạy học mặt đối mặt…) nhưng lớp học này cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích (học trong môi trường tự nguyện, nâng cao ý thức tự học, khả năng lưu trữ nội dung bài giảng lâu dài, tương tác với nhiều người cùng lúc…). Theo số liệu của Tổ chức We Are Social, trong tổng số 64 triệu người dùng internet tại Việt Nam hiện nay, có đến 99% người dùng xem video trực tuyến. Đây là một con số cho thấy việc tổ chức các lớp học livestream là khả thi, theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học”.

Thời gian là vàng bạc, giữa mùa dịch, chúng ta không thể ngồi không chờ đợi hết dịch, mà nên chủ động tận dụng “thời gian rảnh rỗi” để tổ chức các lớp học livestream, dù đó chỉ là thí điểm để rút ra những bài học cho sau này cũng đã thú vị rồi.

                                                 ĐỨC LỘC (dangducloc91@gmail.com)

Tạo ra nhiều điều bổ ích và lý thú cho trẻ

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các phương tiện thông tin ngày càng tiến bộ, việc nhà trường gắn kết với gia đình học sinh qua điện thoại, trang web, Zalo, email... không còn xa lạ nữa. Nên sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để học sinh thay đổi cách học, tự mình làm chủ kiến thức để dễ bắt nhịp khi đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài.

Đây cũng là “thời gian vàng” để hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con. Hãy tạo “văn hóa đọc” cho con để kỳ nghỉ đột xuất này không nhàm chán, mà còn thêm ý nghĩa. Đây cũng là dịp để cha mẹ hướng dẫn con nấu ăn, làm việc nhà, bảo ban các con tham gia những việc nhỏ trong gia đình, tăng sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái. Lâu nay, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn dạy các con làm việc nhà để rèn ý thức và kỹ năng cho các con, nhưng trong năm học vì thời gian học của các con quá nhiều nên chưa làm được.

Thêm nữa, các buổi tối sẽ có nhiều thời gian hơn để cha mẹ tạo bầu không khí gia đình ấm áp, chia sẻ: cùng nhau chuẩn bị bữa cơm, cùng ăn cơm chung, xem các chương trình truyền hình; có thể chú trọng xem những tin liên quan về vấn đề sức khỏe, liên quan đến cách phòng dịch và cùng bàn luận với nhau về những vấn đề đó. 

Đây cũng là thời gian để các bậc cha mẹ dạy cho các con kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn; giảng giải cho các con sự nguy hiểm của bệnh dịch và sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Từ đó, hướng dẫn các con giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường bằng cách không chỉ dọn dẹp phòng của mình, mà còn lau dọn khử trùng tất cả các nơi trong nhà. 

Thời gian này, hãy cho trẻ tự nghĩ ra các trò để chơi. Khi cha mẹ kiên quyết từ chối ý thích không tốt của trẻ như xem tivi, máy tính, điện thoại, các con sẽ buộc phải tự nghĩ ra trò để chơi. Các trò chơi này sẽ kích thích sự sáng tạo và sự linh hoạt của trẻ. Kể cả khi cãi nhau, chúng cũng có được những bài học thú vị về khả năng tranh luận, thuyết phục...

                                          ĐẶNG XUÂN KA (Thanh Bình, Hải Dương)

Tạo điều kiện cho trẻ vận động

Những ngày này, con tôi và những đứa trẻ trong khu phố vẫn thường tập trung ở sân nhà tôi chơi những trò chơi của trẻ con. Sân chơi càng phong phú, ngoài những trò chơi bắn thẻ, đánh cờ tướng, chơi cờ tỷ phú, các bạn nhỏ còn được đọc nhiều sách thiếu nhi, xem phim dạy kỹ năng sống. Đó là những món ăn tinh thần - sân chơi cho trẻ nhỏ. 2 trò chơi để rèn luyện sức khỏe là ném bóng và đá bóng. Ấn tượng nhất là nhiều trẻ mang khẩu trang khi đá bóng, các cháu rất có ý thức giữ vệ sinh phòng dịch khi ra đường. Thiết nghĩ, từng khu dân cư nên quan tâm tạo sân chơi bổ ích cho từng nhóm trẻ có được kỳ nghỉ phòng tránh dịch vui, an toàn, hữu ích.

                                                HOÀNG THÁI HÙNG (Dĩ An, Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục