Ký kết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phục vụ xuất khẩu nông sản

Chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ nông dân ở các địa phương được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Sự kiện diễn ra tại đầu cầu Hà Nội (trụ sở Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT)
Sự kiện diễn ra tại đầu cầu Hà Nội (trụ sở Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT)

Ngày 8-12 tại ba đầu cầu Hà Nội, Đồng Tháp và TPHCM đã diễn ra lễ ký kết triển khai “Chương trình hợp tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả” giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam (thuộc Hiệp hội Ngành thúc đẩy ứng dụng khoa học nông nghiệp khu vực châu Á). 

Chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ nông dân ở các địa phương được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Từ đó giúp nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thuốc một cách có trách nhiệm của nông dân, giảm tình trạng lạm dụng thuốc; đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng. 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, chương trình sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm (2021-2025). Giai đoạn đầu của chương trình sẽ tập trung vào các cây trồng chủ lực ở tỉnh Đồng Tháp bao gồm lúa gạo và cây ăn trái.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung phát biểu tại lễ ký kết

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Cùng với hướng dẫn bà con nông dân hiểu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bảo vệ sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, chương trình còn hướng tới xây dựng quy trình thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương, bảo vệ môi trường và sức khoẻ của nông dân. Từ thành công của mô hình này sẽ lan tỏa ra các địa phương khác ở ĐBSCL”.

Theo ông Trần Thanh Vũ, đồng Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã phối hợp triển khai chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc, xây dựng mã số vùng trồng cho các loại nông sản như xoài, nhãn xuất khẩu của tỉnh Sơn La; tập huấn về IPM trên lúa tại ĐBSCL, triển khai tuần lễ “hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn” tại 7 tỉnh ở ĐBSCL…

Ba bên cùng tổ chức lễ ký kết triển khai chương trình theo hình thức trực tuyến
Các chương trình đều đạt kết quả rõ rệt trong nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân, góp phần đưa nông sản của các địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Tin cùng chuyên mục