Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017:

Ký kết hơn 500 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm

Ngày 9-12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TPHCM) đã diễn ra Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017 do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành tổ chức. 
Khách tham quan mua đặc sản tỉnh Bến Tre. Ảnh: CAO THĂNG
Khách tham quan mua đặc sản tỉnh Bến Tre. Ảnh: CAO THĂNG
Đây là hoạt động thiết thực, được các doanh nghiệp (DN) trông chờ nhất trong năm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa liên tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã tham dự hội nghị.
Hội tụ đặc sản các vùng miền
Năm 2017 là năm thứ 6 TPHCM tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa. Tham gia hội nghị năm nay, ngoài lãnh đạo của các tỉnh, thành, còn có 2.797 DN đến từ 40 tỉnh, thành của cả nước. 
Với 450 gian hàng tiêu chuẩn, các DN đã giới thiệu, trưng bày nhiều nhóm hàng nông sản công nghệ cao, hàng đạt chuẩn VietGAP, thực phẩm chế biến, thủy hải sản khô, bánh kẹo, rau củ quả… Tại gian hàng của tỉnh Hà Giang, đã giới thiệu đến người tiêu dùng TPHCM các loại cam sành, cam đường, quýt đường, bưởi da xanh, có hình thức, chất lượng không thua kém các loại trái cây đặc sản của miền Tây.
Ký kết hơn 500 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm ảnh 1 Mua đặc sản tôm khô tại gian hàng tỉnh Cà Mau. Ảnh:  CAO THĂNG
Gian hàng của tỉnh Hòa Bình với các sản phẩm chủ lực là măng ngâm chua, măng khô, mơ, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, nhãn Kim Bôi làm cho khách hàng thích thú khi ghé thăm và dùng thử. Nhiều khách hàng đã ra về với nhiều loại đặc sản mới lạ, độc đáo của từng địa phương, vùng miền… Đặc biệt, các DN của TPHCM cũng giới thiệu đến các đối tác các mặt hàng vốn là thế mạnh như thực phẩm chế biến, thịt và trứng gia cầm, các khu vực trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có uy tín, có tiềm năng xuất khẩu. 
Hội nghị năm nay cũng dành nhiều không gian để DN giới thiệu đến các đối tác, người tiêu dùng những sản phẩm nông sản mới, được sản xuất hữu cơ như gạo OrgaGro của Công ty Gạo Việt, cà phê sạch của Công ty Nón Lá, đông trùng hạ thảo của Công ty AT Group…
Tính đến 16 giờ 30 cùng ngày, qua các kênh kết nối trực tuyến tại địa chỉ www.ketnoihanghoa.vn và qua việc tiếp xúc trực tiếp giữa nhà cung cấp và phân phối, các bên đã ký kết thành công 505 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Số lượng các hợp đồng ký kết được dự báo tiếp tục tăng trong những ngày tới. 
Ông Hồ Quốc Nguyên, phụ trách đối ngoại Big C Việt Nam, cho rằng chính sách thu mua của Big C là cởi mở và công bằng. Quan điểm của Big C là không lựa chọn sản phẩm mình yêu thích mà chọn sản phẩm khách hàng tìm kiếm nên cơ hội hợp tác công bằng cho tất cả nhà cung cấp. Big C mong muốn nhà cung cấp, đối tác hiểu giá trị sản phẩm của mình, nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh và sự khác biệt giữa sản phẩm của mình và đối thủ cạnh tranh.
Là một trong những đơn vị thực hiện nhiều hợp đồng ký kết, Saigon Co.op luôn có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, các hợp tác xã dưới các hình thức như đầu tư vốn, hỗ trợ công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, kinh tế trang trại đưa hàng hóa tham gia hội nghị kết nối sản phẩm lại chưa được kiểm nghiệm định kỳ, chưa đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc chưa đủ thủ tục pháp nhân để giao dịch. Nhiều cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm, không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng, giao nhận và kinh doanh của siêu thị… Đây là những vấn đề cần khắc phục sớm để triển khai các hợp đồng ký kết đạt hiệu quả cao. 
Sẽ thực hiện sơ chế, phân loại nông sản từ đầu nguồn 
Bên cạnh việc chọn lọc các sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành để trưng bày, giới thiệu với các đối tác, người tiêu dùng TPHCM, hội nghị cũng tổ chức hội thảo chuyên đề, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm. Đây cũng là đề tài nóng bỏng liên tục đặt ra cho các kỳ hội nghị để các bên cùng bàn bạc, tìm tiếng nói chung. 
Ông Thái Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng nông sản là phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường. Đồng Nai đã tích cực hợp tác với TPHCM để thực hiện truy xuất. Toàn tỉnh hiện có 1.750 trang trại nuôi heo, trong đó có khoảng 1.000 trang trại đã tham gia đề án truy xuất của TPHCM, số còn lại do không có thương hiệu, chưa truy xuất nên rất khó tiêu thụ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương Đồng Nai nghiên cứu, áp dụng đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và gà trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo sự yên tâm cho các đối tác, người tiêu dùng. Để làm được việc này, Đồng Nai mong muốn được TPHCM hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm để tiết giảm chi phí mức thấp nhất. 
Một số ý kiến cho rằng, có tới 85% sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ ở chợ truyền thống thì khó truy xuất nguồn gốc. Do vậy đã đến lúc quan tâm, khuyến khích việc phát triển các cửa hàng tiện ích, siêu thị, quy hoạch mạng lưới chợ truyền thống, chợ đầu mối gắn với thương mại điện tử để hình thành các chuỗi phân phối hiện đại. Nếu chúng ta làm tốt quy hoạch, chắc chắn thị trường sẽ tự điều chỉnh, khi đó các DN buộc phải thực hiện truy xuất mới có thể bán được hàng. 
Các đại biểu cũng đi đến thống nhất, để việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả cao, các bộ ngành xem xét, nghiên cứu để ban hành một đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc chuẩn mực, gắn với một cơ sở dữ liệu truy xuất toàn quốc. Nếu để việc thực hiện truy xuất mang tính tự phát, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện. Mặt khác, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho DN cũng cần được rút ngắn, vì mỗi hồ sơ nộp phải mất tới 18 tháng mới được cấp là quá chậm, khiến DN mất nhiều cơ hội kinh doanh.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định TPHCM là địa phương đầu tiên thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả nhằm mang lại nguồn thực phẩm sạch cho người dân, trong đó nhà cung cấp phải thể hiện trách nhiệm trước người tiêu dùng. TPHCM mong muốn, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt để có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh, thành để cùng TPHCM làm tốt việc truy xuất hàng hóa.
Mặt khác, Sở Công thương đã triển khai chủ trương làm sạch nguồn gốc hàng hóa khi đưa về các chợ đầu mối của TP nhằm giảm thiểu lượng rác thải trong phân phối. Các chợ đầu mối đã triển khai chủ trương này đến thương nhân. Sau Tết Nguyên đán 2018, TPHCM sẽ kiên quyết thực hiện, bằng mọi cách phải đưa nguồn hàng đã được sơ chế vào TPHCM. Theo bà Trang, hiện mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 800 tấn rác thì tại 3 chợ đầu mối đã vượt mức 200 tấn/ngày (chợ Bình Điền 70 tấn, chợ Hóc Môn 80 tấn, chợ Thủ Đức hơn 60 tấn), gây rất nhiều khó khăn, tốn kém trong việc di dời và xử lý. Vì vậy, bằng mọi cách TPHCM phải thực hiện phân loại, sơ chế hàng hóa từ đầu nguồn để loại bớt rác thải, đóng gói sản phẩm. Đây cũng là cách để TPHCM xây dựng thương hiệu cho các chợ đầu mối nói chung, thương hiệu cho các thương nhân kết hợp truy xuất nguồn gốc hàng nông sản.
* Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng: Hàng Trung Quốc gây khó khăn cho truy xuất nguồn gốc
Mỗi năm, Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu tấn rau, 50% trong đó đưa về TPHCM tiêu thụ và chỉ khoảng 20% trong tổng số 2 triệu tấn đó có truy xuất được nguồn gốc cũng như đạt chứng nhận rau an toàn. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rau Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do hàng nông sản Trung Quốc giả nguồn gốc Đà Lạt ngày càng tinh vi.
Ví dụ mặt hàng khoai tây. Trước đây, khoai tây Trung Quốc được đưa về Đà Lạt trộn đất đỏ rồi giả xuất xứ Đà Lạt khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu, khó quản lý. Bây giờ, khoai tây Trung Quốc chở từ biên giới phía Bắc về ghé Lâm Đồng, sang xe qua xe biển số Lâm Đồng rồi chở về các chợ đầu mối ở TPHCM, hợp thức hóa thành khoai tây Đà Lạt. Mặt hàng rau cũng vậy. Mùa bông cải Đà Lạt hết thì bông cải Trung Quốc được chở bằng máy bay về Đà Lạt, bốc dỡ xuống xe biển số Đà Lạt chở về TPHCM. Chúng tôi chỉ đạo quản lý thị trường phối hợp quản lý địa phương kiểm soát vấn đề này rất khó khăn. Lâm Đồng đã bỏ ra 500 triệu đồng thí điểm cho khoai tây Đà Lạt đóng gói 5kg vào túi lưới nhưng không ổn vì khi đưa về TPHCM tiêu thụ, người tiêu dùng không có nhu cầu mua số lượng lớn như vậy. Nếu đóng gói nhỏ hơn thì phát sinh thêm nhiều chi phí, khó bán hàng. Do vậy, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc cần một bài toán căn cơ hơn.
* Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long AnChưa có sự minh bạch khi đưa hàng vào siêu thị
 Tôi cho rằng việc tham gia hội nghị kết nối cung - cầu của các địa phương là nhắm tới việc đưa thẳng hàng hóa của mình vào các siêu thị, trung tâm thương mại và thông qua các DN xuất khẩu, chứ không phải thông qua các tầng nấc trung gian. Nhưng vấn đề đưa hàng vào siêu thị còn nhiều gian nan, nhất là về thanh toán và chi phí. Chưa có sự minh bạch trong việc xác định chất lượng sản phẩm, lượng hàng hóa thu mua không ổn định nên khó chủ động trong khâu sản xuất. Rất mong lãnh đạo và Sở Công thương TPHCM tìm hiểu để giải quyết rốt ráo những tồn tại này. 

Tin cùng chuyên mục