Kỳ ẩn Việt Nam

Trong góc nhìn của hội họa, những di sản kiến trúc dọc theo chiều dài đất nước, khoác lên một lớp áo có màu sắc khi mạnh mẽ, sinh động, cũng có khi trầm lắng, tĩnh mịch. Theo đuổi trường phái hậu ấn tượng, thông qua chất liệu sơn dầu, hình ảnh “Vương cung Thánh đường Sở Kiện” (Hà Nam), chùa Bà Đanh (Hà Nam), Khuê Văn Các (Hà Nội), Nhà thờ Đức Bà (TPHCM) hay Nhà Rông (Tây Nguyên)… hiện lên giàu sức sống trong tranh của họa sĩ 9X Nguyễn Thanh Vũ.
Khách tham quan triển lãm Kỳ ẩn Việt Nam tại Thư quán - Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khách tham quan triển lãm Kỳ ẩn Việt Nam tại Thư quán - Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám

Sau triển lãm tại TPHCM vào tháng 3-2022, Kỳ ẩn Việt Nam được triển lãm tại Thư quán - Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám đến hết ngày 30-5. Bộ tranh giới thiệu những kiến trúc cổ ở khắp mọi miền đất nước, có những công trình vẫn bền vững với thời gian, số khác chỉ còn là hoài niệm… 

Xuất phát điểm là sinh viên ngành kiến trúc, kết hợp kiến trúc và hội họa trong bộ tranh đầu tiên về di sản, Vũ bày tỏ: “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất mê các thể loại kiến trúc cổ. Với tôi, một đất nước vững mạnh khi tồn tại một bề dày lịch sử, cũng như một thế hệ sẽ vững vàng khi họ hiểu thấu giá trị của tiền nhân để lại. Việc học kiến trúc đã giúp tôi có cơ hội kết nối được với di tích, di sản nước nhà, nên tôi đã bắt đầu niềm đam mê đối với loại hình này từ đó”.

Bắt đầu thực hiện bộ tranh Kỳ ẩn Việt Nam vào tháng 6-2021, trong những chuyến đi trực họa ở một số tỉnh thành phía Bắc, Vũ cũng thực hiện song song bộ tranh Phật ngự tứ linh - kể về các sắc thái và hình thái của Phật gắn với linh thú trong kiến trúc cổ Việt Nam. 

Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người thực hành không thể làm ngơ trước trào lưu, xu hướng mới. Vũ phân tích: “Từ góc nhìn của một người sáng tạo nghệ thuật thị giác, tôi luôn đề cao các tác phẩm nghệ thuật sử dụng chất liệu truyền thống. Nó là nền tảng cả một quá trình phát triển của dân tộc, là phương tiện để mình giới thiệu văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội để người trẻ có thể làm mới những điều đã cũ trên những phương tiện, kỹ thuật của thời đại mới, như vậy thì chất liệu truyền thống sẽ khoác một lớp áo khác, không còn cũ kỹ mà sẽ được cách tân hợp thời hơn rất nhiều. Đó cũng là một cách để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản, văn hóa dân tộc. Rõ ràng văn hóa - nghệ thuật là hai phạm trù không thể thiếu nhau, nên bổ trợ cho nhau, làm mới nhau”.

Trên các diễn đàn sáng tạo, câu chuyện “chiếm dụng văn hóa” vẫn chưa hạ nhiệt. Vì vậy, những tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố truyền thống, văn hóa nước nhà từ người trẻ càng đáng được ghi nhận. Bởi hơn ai hết, họ là thế hệ đương thời; và nếu người đương thời còn nhớ những giá trị văn hóa, văn hiến ngàn năm, thì chuyện lan tỏa và nâng tầm văn hóa nghệ thuật quốc gia hẳn không phải là giấc mơ suông.

Tin cùng chuyên mục