Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam - Nâng chuỗi giá trị hạt gạo

Tối 8-11, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 năm 2011 chính thức khai mạc tại Sóc Trăng với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Đến dự festival có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành ĐBSCL, Tổng lãnh sự các nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong và ngoài nước, đông đảo người dân cùng tham dự.
Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam - Nâng chuỗi giá trị hạt gạo

(SGGP).- Tối 8-11, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 năm 2011 chính thức khai mạc tại Sóc Trăng với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Đến dự festival có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành ĐBSCL, Tổng lãnh sự các nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong và ngoài nước, đông đảo người dân cùng tham dự.

Khách tham quan nơi trưng bày Triển lãm “Con đường lúa gạo” tại festival.

Khách tham quan nơi trưng bày Triển lãm “Con đường lúa gạo” tại festival.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức festival, cho biết: Festival Lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt - Môi trường xanh cho cánh đồng vàng”, là sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch nhằm quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tôn vinh nông dân làm ra hạt lúa, những nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… có nhiều đóng góp đưa hạt gạo Việt Nam đi xa. Festival cũng nhằm giới thiệu thành tựu sản xuất lúa gạo từ thủ công đến hiện đại. Đây cũng là dịp để các nhà chuyên môn đóng góp tìm giải pháp phát triển lúa gạo bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Lúa gạo luôn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, là nguồn lương thực đảm bảo cuộc sống cho người dân trên thế giới. Sản xuất lúa gạo ở nước ta gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước, cây lúa trở thành cây lương thực chính liên quan đến việc làm và thu nhập của khoảng 80% hộ dân cả nước. Có thể nói, sản xuất lúa gạo những năm qua phát triển liên tục trên nhiều mặt về năng suất, chất lượng, xuất khẩu…

Từ năm 1990 đến nay, sản lượng lúa từ 19 triệu tấn tăng lên 41,5 triệu tấn; năng suất bình quân từ 3,18 tấn/ha tăng lên 5,4 tấn/ha năm 2011. Với thành công đó, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất, trong đó có khoảng nửa triệu ha đạt từ 7 tấn/ha trở lên vụ đông-xuân, thuộc hàng tiên tiến nhất trên thế giới. Từ một nước thiếu lương thực, nay hạt gạo Việt Nam được xuất đi 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng năm 2011 dự kiến xuất trên 7 triệu tấn gạo, khẳng định vị thế thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông dân trồng lúa.

Khách tham quan gian hàng tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2.

Khách tham quan gian hàng tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn đã tác động đến Việt Nam, tuy nhiên nền nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, trong đó sản xuất lúa gạo tăng mạnh đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định an sinh xã hội.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển lúa gạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ NN- PTNT và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất những giải pháp phát triển lúa gạo bền vững trong thời kỳ mới. Phải làm sao đảm bảo sản lượng lúa trong điều kiện diện tích đất ngày càng giảm, dân số gia tăng, biến đổi khí hậu tác động. Cơ cấu lại mùa vụ hợp lý, đẩy mạnh việc mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết bốn nhà. Phải tăng được chuỗi giá trị hạt gạo, nâng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.  

HUỲNH PHƯỚC LỢI

- Thông tin liên quan:

>> Festival lúa gạo Việt Nam - Háo hức chờ khai mạc

Tin cùng chuyên mục