Festival lúa gạo Việt Nam - Háo hức chờ khai mạc

Theo kế hoạch từ ngày 8 đến 11-11, Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 sẽ diễn ra tại Sóc Trăng. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, ngành chức năng và đông đảo người dân đang nóng lòng chờ khai mạc ngày hội lúa gạo lớn nhất từ trước đến nay.
Festival lúa gạo Việt Nam - Háo hức chờ khai mạc

Theo kế hoạch từ ngày 8 đến 11-11, Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 sẽ diễn ra tại Sóc Trăng. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, ngành chức năng và đông đảo người dân đang nóng lòng chờ khai mạc ngày hội lúa gạo lớn nhất từ trước đến nay.

Những ngày này, du khách đến TP Sóc Trăng đã thấy không khí chuẩn bị cho festival thật nhộn nhịp, đường phố rợp cờ hoa với nhiều băng rôn quảng bá về ngày hội lớn. Từ ngã ba Trà Men vào đến Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt là “Con đường lúa gạo” dài 1.200m được bố trí khoảng 47.000 chậu lúa trưng bày trên các dải phân cách đường Hùng Vương trông rất ấn tượng. Khu triển lãm với 1.000 gian hàng cũng đang gấp rút hoàn tất; sân khấu nổi, chợ nổi trên Hồ Nước Ngọt… đều cơ bản xong.

“Con đường lúa gạo” trên đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH LỢI

“Con đường lúa gạo” trên đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Ông Huỳnh Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, cho biết: “Nơi đây sẽ diễn ra hầu hết các sự kiện quan trọng của festival như lễ khai mạc, bế mạc, triển lãm, các hội thi, nhiều hoạt động khác… Cơ sở vật chất được thi công từ 3 tháng nay, nhiều anh em phải làm việc xuyên suốt ngày đêm để kịp phục vụ festival”.

Ông Nguyễn Văn Trung, người dân phường 2, thành phố Sóc Trăng, hồ hởi: “Tôi nghe thông tin từ đài, báo biết Sóc Trăng vinh dự được giao đăng cai tổ chức Festival lúa gạo tôn vinh những người nông dân một nắng hai sương. Nhiều người dân Sóc Trăng rất phấn khởi và nóng lòng chờ đợi ngày khai mạc lễ hội”.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Festival lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt - Môi trường xanh cho cánh đồng vàng” là sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội du lịch nhằm quảng bá thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung. Festival nhằm tôn vinh những nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân, doanh nghiệp… có nhiều đóng góp cho sự phát triển lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Trong khuôn khổ festival lần này sẽ diễn ra nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn như bắn pháo hoa, hội thi nông dân trồng lúa giỏi, triển lãm con đường lúa gạo, triển lãm nông cụ từ thời khẩn hoang đến hiện đại, triển lãm bản đồ Việt Nam bằng lúa gạo lớn nhất, lễ hội ẩm thực, lễ hội đâm cốm dẹp, tư vấn sản xuất nông nghiệp, hội thi gạo ngon thương hiệu Việt, thi người đẹp miệt vườn, hoạt động xúc tiến thương mại, đối thoại gặp gỡ song phương - đa phương, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, trao chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm ST”…

Festival còn có những hội thảo quan trọng như: Hội thảo “Định vị thương hiệu gạo Việt Nam - Gạo Việt Nam: Ai bán, ai mua?”; “Việt Nam - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”; “Bãi Xàu – Sóc Trăng: Từ cảng quốc tế đầu tiên đến tương lai phát triển”… Ban tổ chức festival kỳ vọng, những hội thảo trên sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn để tìm ra những giải pháp tối ưu giúp lúa gạo Việt Nam khẳng định giá trị đích thực trên thương trường quốc tế. Song song đó, xây dựng thương hiệu vững chắc để chiếm thị phần.

Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 diễn ra đúng vào dịp lễ hội Ooc Om Boc – đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Do vậy, Sóc Trăng đã lồng ghép lễ hội đua ghe Ngo và lễ hội đâm cốm dẹp thành một chương trình của festival, tạo nét mới, hấp dẫn cho bạn bè trong nước và quốc tế khi đến dự festival. Ông Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Sóc Trăng sẽ làm hết sức mình từ việc tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa văn nghệ, ăn nghỉ, đi lại, giao thương… đảm bảo festival thành công, góp phần đưa hạt gạo Việt đi xa hơn trên thương trường quốc tế. 

PHƯƠNG UYÊN 

Bừng sáng “hạt ngọc” Việt 

“Chắt chiu hạt gạo trắng ngần/mẹ nuôi ta lớn tảo tần sớm hôm”. Lúa gạo đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt, gắn liền với từng nhịp thở và quá trình đi lên của đất nước. Gạo Việt Nam không chỉ là bệ đỡ cho các ngành kinh tế khác mà còn làm rạng danh hơn hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế.

1.
Lần thứ hai, hạt gạo Việt Nam được vinh danh bằng lễ hội mang tầm quốc gia “Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 tại Sóc Trăng”. Một đất nước đắm mình hơn 4.000 năm trong văn minh lúa nước, nghề trồng lúa nước và nền nông nghiệp trở thành nền kinh tế căn bản của đời sống dân tộc Việt thì hành trình của hạt gạo, cuộc sống của những người một nắng hai sương vẫn luôn là mối quan tâm của toàn xã hội.

Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 diễn ra trong sự quan tâm của nhiều người bởi thế đứng mới của hạt gạo Việt. Năm 2010, xuất khẩu gạo đạt 6,75 triệu tấn với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD. Năm 2011, lại thêm kỳ tích mới khi chúng tôi xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3,1 tỷ USD. Dự báo năm nay, khối lượng xuất khẩu gạo sẽ lên con số 7,5 triệu tấn, đem lại giá trị kỷ lục hơn 3,7 tỷ USD. Nông dân Nam bộ đạt lợi nhuận từ 40%-60% với niềm vui trúng mùa được giá cả 3 vụ lúa, góp phần đưa ngành nông nghiệp tăng thêm 1 triệu tấn lương thực do Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, năm nay cũng là năm sản lượng gạo thơm phẩm chất cao xuất khẩu đạt cao nhất. Ngôi “vương” cho các quốc gia xuất khẩu gạo thế giới hứa hẹn sẽ về tay những người nông dân Việt?

Giữa hai kỳ festival lúa gạo, nông nghiệp Việt Nam cũng đã chứng tỏ bước chuyển mình đầy căn cơ, mạnh mẽ. Phong trào Cánh đồng mẫu lớn hứa hẹn một nền sản xuất hàng hóa lớn, lời giải cho bài toán thoát nghèo đằng đẵng bao năm qua. Riêng tại ĐBSCL đã thu hút hơn 6.400 hộ nông dân ở 12/13 tỉnh, thành với diện tích khoảng 8.000 ha, kích thích nhiều “nhà” cùng tham gia. “Nông dân nhỏ - cánh đồng lớn” gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới: áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất trên diện tích lớn, qua đó rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất đồng thời tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

2. Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 là dịp để người dân Việt Nam nhìn lại hành trình hạt gạo Việt và hiểu sâu hơn về đất và người Sóc Trăng. Hạt gạo đã góp phần kết nối, hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất ba dân tộc anh em từ ngàn xưa. Lễ cúng Thần nông người Việt hòa cùng sự rộn ràng của lễ hội cúng trăng Ooc Om Boc (Khmer) và tiết Thanh Minh của người Hoa. Đó là lễ hội giao mùa, mong cầu quốc thái dân an, kết thúc một năm nhọc nhằn trên đồng lúa và đón chờ một năm mới thóc gạo bể bồ, óng ánh, nặng oằn hơn…

Đến ngày hội lúa gạo lại nhớ về người con của Sóc Trăng, Anh hùng Lao động, nhà nông học Lương Định Của (xã Đại Ngãi – Long Phú). Từ năm 1946, ông đã đỗ tiến sĩ nông học khoa di truyền chọn giống tại Nhật và là tác giả của nhiều giống cây trồng vào thuở ban đầu đầy khó khăn của nền nông nghiệp nước nhà. Với những cống hiến to lớn, Nhà nước đã truy tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh. Địa danh Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên ngày nay) cũng nổi danh nhờ hạt gạo. Từ trước thế kỷ 18, nơi đây đã là một “đô thị đệ nhất hạng”, tức đô thị loại 1 (nghị định phê chuẩn của Thống đốc Nam kỳ). Nhưng quan trọng hơn, Bãi Xàu chính là thương cảng lúa gạo lớn nhất đồng bằng Nam bộ thuở đó. Tại đây, gạo được gom và bán thẳng cho các ghe buôn nước ngoài thay vì phải chở lên Sài Gòn rồi mới xuất cảng.

Gạo thơm Sóc Trăng tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) và chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa bây giờ là sự tiếp nối ngoạn mục hạt gạo Bãi Xàu vang danh thuở trước. Đến nay, các giống lúa thơm nhóm ST đã được lai tạo đến giống ST20 rồi ST3 đỏ, giống lúa đen có thể sử dụng như một nguồn thực phẩm chức năng... Năm 2011, năm đầu tiên Sóc Trăng vượt ngưỡng 2 triệu tấn lúa/năm, tăng gần 110.000 tấn mặc dù diện tích giảm hơn 1.000 ha so với cả 3 vụ lúa năm 2010. Đặc biệt, diện tích trồng lúa đặc sản của tỉnh đạt gần 60.000 ha, tăng gần gấp đôi năm trước. Hạt gạo Sóc Trăng đã lớn theo sự vươn lên của cả nước, góp phần tôn vinh cho cây lúa Việt Nam.

3. “Ơn trời mưa nắng phải thì…” nhưng con lũ lớn năm nay vẫn làm đôi mắt mẹ già miền Trung thêm sâu thẳm, bóng dáng người chị phương Nam thêm bươn bả. Hàng ngàn tỷ đồng đã theo con nước ra biển khơi. Để người nông dân sống khỏe trên mảnh ruộng của mình, vẫn còn nhiều điều trăn trở. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, song không phải ai cũng biết đến gạo Việt. Chiến lược quốc gia nào cho thương hiệu gạo Việt Nam? ĐBSCL, vựa lúa cả nước sao vẫn là “vùng trũng”, có mức nghèo khó và giáo dục dưới mức bình quân cả nước? Làm thế nào thu hẹp được khoảng cách giữa mức sống đô thị và thôn quê? Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quyết tâm tăng mạnh đầu tư cho khu vực này nhất định sẽ làm cho hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, “con trâu đi trước cái cày theo sau” vốn hằn sâu trong tâm thức mọi người bớt cay cực, ngậm ngùi…

Thách thức như là động lực để sáng tạo, vượt qua khó khăn. Bằng chứng là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, nông nghiệp, nông thôn và nông dân không chỉ góp phần duy trì sự ổn định về kinh tế mà còn có ý nghĩa ổn định về chính trị, xã hội đất nước. “Ai ơi gạo trắng nõn nà/Thế gian no đủ thế là xong cơm”. Hạt gạo Việt Nam sẽ còn xuống tàu đi xa xa mãi…

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục