Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong đại dịch

Nhiều tổ chức, cơ quan truyền thông quốc tế đánh giá các biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển. Trong Bảng xếp hạng theo tháng của Bloomberg nhận định khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế thì Việt Nam tăng 4 bậc so với xếp hạng tháng trước, lên vị trí thứ 11.
Việc kiểm soát tốt đại dịch đang tạo ra niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư Trong ảnh: Nhà máy sản xuất xe Vinfast tại Hải Phòng
Việc kiểm soát tốt đại dịch đang tạo ra niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư Trong ảnh: Nhà máy sản xuất xe Vinfast tại Hải Phòng

Điểm đến an toàn 

Bloomberg dự báo, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm nay. Theo Bloomberg, thực tế tháng vừa qua cho thấy, chiến dịch tiêm chủng vaccine chưa đủ để chấm dứt đại dịch, mà cần thêm các biện pháp phòng chống dịch đúng hướng, cũng như thực thi nghiêm các biện pháp đó. Bảng xếp hạng tháng tư của Bloomberg dựa trên 10 tiêu chí, từ đó tìm ra những nền kinh tế đang ứng phó dịch bệnh hiệu quả, với ít gián đoạn về kinh tế và xã hội nhất. Các dữ liệu này bao gồm: tỷ lệ tử vong, tỷ lệ xét nghiệm, khả năng tiếp cận vaccine, khả năng tự do di chuyển... 

Công ty tư vấn Oxford Economics cũng đã đưa ra những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Công ty này dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,7%, thuộc nhóm các nước dẫn đầu khu vực châu Á, và dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2022  Theo Oxford Economics, Việt Nam sẽ hưởng lợi về nhu cầu gia tăng trên toàn cầu đối với hàng điện tử khi tham gia vào chuỗi cung ứng này. Ngoài máy tính và hàng điện tử khác, văn phòng phẩm, nội thất văn phòng là những mặt hàng có nhu cầu tăng trong bối cảnh nhu cầu làm việc tại nhà trên toàn cầu ngày càng phổ biến, mặc dù nhu cầu này sẽ giảm trong năm nay khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Việc khôi phục trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy thương mại thế giới và Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong lĩnh vực xuất khẩu.

Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng ở mức khoảng 6%-7% mỗi năm. Việc kiểm soát tốt đại dịch đang tạo ra niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư và các dòng vốn hướng vào Việt Nam như một điểm đến an toàn. 

Chuyển dịch sang năng lượng “xanh”

Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings nhận định, so với các nước khác, các chỉ số tài chính công của Việt Nam được cải thiện rõ rệt kể từ khi đại dịch bùng phát, góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ “ổn định” lên “tích cực”. Fitch kỳ vọng, Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư. Trong quý 1-2021, xuất khẩu hàng hóa tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ tăng trưởng GDP thực tế trong quý là 4,5% so với cùng kỳ. Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại, các hiệp định thương mại mới như Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và khả năng cạnh tranh về chi phí. Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng và FDI tăng nhanh sẽ thúc đẩy tính bền vững của tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.

Trong khi đó, trang Financial Times của Anh đăng bài viết nhận định, việc Việt Nam mở rộng các trang trại điện gió và năng lượng mặt trời chứng tỏ việc chuyển dịch sang năng lượng “xanh” đang được xác định là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dữ liệu từ Irena, một tổ chức năng lượng tái tạo liên chính phủ, sản lượng từ năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam lần lượt tăng 237% và 60% vào năm 2020.

Bài viết cũng dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, với tốc độ gió trung bình 10m/giây, vùng biển Việt Nam nằm trong tốp nơi nhiều gió nhất hành tinh và là nơi lý tưởng để đặt các turbin gió ngoài khơi. Theo Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, một công ty năng lượng tái tạo của Anh, để giảm chi phí, Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các trạm biến áp và đặt cáp dọc đáy biển để sản xuất ngoài khơi hoặc tìm các giải pháp thay thế.

Tin cùng chuyên mục