Kinh tế tuần hoàn hướng đến xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh

Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải, tận dụng tài nguyên.

Ngày 10-11, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam – vấn đề và giải pháp”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các tỉnh/thành phía Nam, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân...

Theo đó, mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Mô hình này có các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, dựa trên 5 nguyên tắc, gồm: thiết kế để tái sử dụng; khả năng linh động nhờ sự đa dạng; sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận; tư duy hệ thống và nền tảng sinh học. Trong đó, các nhà nghiên cứu phân theo 3 cấp độ: thấp, vừa và cao.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trần Việt Trường cho biết: Trước đây, mô hình kinh tế tuyến tính đa phần các quốc gia sử dụng vận hành trong quá trình phát triển, dựa vào tài nguyên để tạo ra các sản phẩm, đem đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nâng cao mức sống của con người. Tuy nhiên, nền kinh tế ngày càng mở rộng, tài nguyên dần cạn kiệt, mô hình này không nên duy trì, bởi nó làm môi trường suy thoái do chất thải gia tăng… đây cũng là thách thức to lớn và cũng là nguyên nhân vì sao chúng ta cần phải nhìn nhận lại, thay đổi chiến lược phát triển, trong đó điểm mấu chốt là phát triển kinh tế phải bảo đảm không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - phát triển bền vững.

Do đó, kinh tế tuần hoàn được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay và tương lai. Thay vì nền kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên thì kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải và việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức tái chế, tái sử dụng.

Trong vài thập niên trở lại đây, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng diễn ra rộng khắp trên thế giới, được nhiều nước thực hiện theo cách tiếp cận theo vật liệu, tập trung giải quyết các vấn đề của một số chất thải và vật liệu, như sản phẩm nhựa dùng một lần, rác thải điện tử, chất thải thực phẩm một cách rất hiệu quả, điển hình tại cộng đồng các nước: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Trung Quốc…

Lấy dẫn chứng ở các tỉnh, thành phía Nam, đồng chí Trần Việt Trường, dẫn chứng một số mô hình hoạt động theo các nguyên tắc của mô hình kinh tế tuần hoàn bước đầu đem lại nhiều thành quả đáng khích lệ, như: tỉnh Tiền Giang có 26 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các cơ sở này áp dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, có thể quản lý được nhiệt độ, ẩm độ và sức gió trong chuồng nuôi, có hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas, HDPE, đệm lót sinh học ...), hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Vĩnh Long có mô hình lúa hữu cơ của Hợp tác xã Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm), sản xuất lúa khép kín, tạo các sản phẩm giá trị gia tăng, đóng gói, cung cấp thị trường.

Riêng thành phố Cần Thơ có trang trại côn trùng của Công ty TNHH Vườn sinh thái Kim's Garden Cần Thơ đã thực hiện thành công giải pháp côn trùng và chế phẩm sinh học vào nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Nhờ đó, trang trại giảm được 80% chi phí thức ăn công nghiệp, đặc biệt là hạn chế tối đa chất thải từ chăn nuôi ra môi trường.

Tin cùng chuyên mục