Kinh tế tư nhân cần “chiếc áo” riêng

"Để đáp ứng đòi hỏi của quy mô từng loại doanh nghiệp, cùng với việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 dang được tiến hành, cần có quy định riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và Tập đoàn kinh tế, bởi vì không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", GS Nguyễn Mại nói. 
Quang cảnh cuộc toạ đàm
Quang cảnh cuộc toạ đàm

Sáng 5-10, Toạ đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút được sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và đại diện nhiều doanh nghiệp.

Cuộc Tọa đàm nhằm phân tích cơ hội, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới; đồng thời gợi mở những đường hướng, giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân.

Tại cuộc toạ đàm, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận định, bức tranh kinh tế tư nhân đã xuất hiện những tín hiệu mới, đặc biệt về phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Số liệu mới đây của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết số tỉnh, thành phố làm công nghiệp công nghệ  thông tin đã tăng từ con số 50 năm 2016 lên 57 trong năm 2017. Nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kinh tế tư nhân cần “chiếc áo” riêng ảnh 1 GS, TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại hội thảo
Ở góc độ cơ quan quản lý, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa Chính phủ điện tử:  Để phát triển kinh tế tư nhân thì xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỹ thuật số".

"Doanh nghiệp đánh giá cao việc thực hiện CPĐT ở tất cả các cấp chính quyền từ xã phường, quận huyện, tỉnh/ thành phố và các cơ quan trung ương đã giảm bớt nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các dịch vụ công; đồng thời hy vọng sẽ có đột phá theo hướng CPĐT ứng dụng các công nghệ và nguyên tắc dựa trên nguồn mở và hợp tác; thông tin minh bạch công khai được truy cập rộng rãi, quyền doanh nghiệp có thể sử dụng lại, thay đổi mục đích và thêm giá trị đối với thông tin khu vực công. Để đáp ứng đòi hỏi của quy mô từng loại doanh nghiệp (DN), cùng với việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 đang được tiến hành, cần có quy định riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và Tập đoàn kinh tế, bởi vì không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", GS Nguyễn Mại bình luận.

Kinh tế tư nhân cần “chiếc áo” riêng ảnh 2 TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, để có chính sách đúng, trước hết cần có số liệu đầu vào chính xác.

“Tôi cho rằng phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá khu vực này đóng góp 9% GDP, con số này kéo dài từ khi có Luật Doanh nghiệp đến hiện tại. Năm 2000, yếu tố này chỉ tăng 1 điểm % GDP. Tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này, bởi trong khi các con số về doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp”, ông Cung thẳng thắn.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thêm, nhận thức không đúng sẽ dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Tuy nhiên, về phần mình, các DN tư nhân cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, cụ thể là chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định sự phát triển của một DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.

Kinh tế tư nhân cần “chiếc áo” riêng ảnh 3 TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Đức Kiên nói: “Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có "tiền tươi thóc thật" ngay, chưa kiên trì định hướng chuyên nghiệp, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”.

Đáng lưu ý, theo TS Nguyễn Đức Kiên, việc xử lý mối quan hệ giữa DN và xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, đa phần chỉ coi đó là xử lý điểm nóng, hoá giải sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững. Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình DN khác.

Tin cùng chuyên mục