Kinh tế Trung Quốc: Triển vọng và lo âu

Ngày 18-1, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố loạt chỉ số tích cực của nền kinh tế trong năm qua. Theo đó, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 chỉ đạt mức thấp nhất trong 4 thập niên qua nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này được cho là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn cầu phải hứng chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19.
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 12-2020 đã tăng nhanh hơn dự báo
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 12-2020 đã tăng nhanh hơn dự báo

GDP vượt ngưỡng 100.000 tỷ NDT

 Theo số liệu của NBS, GDP năm 2020 của nước này đạt 101.598 tỷ NDT (tương đương 15.666 tỷ USD) với mức tăng trưởng 2,3%. 

Có được kết quả trên một phần nhờ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 4-2020 tiếp tục tăng nhanh, đạt 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 4,9% của quý trước đó. Cùng với đó, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng năm 2020 - một chỉ số kinh tế quan trọng - cũng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 12-2020 đã tăng nhanh hơn dự báo, đạt 7,3% so với cùng kỳ một năm trước đó. 

NBS cho biết đầu tư vào bất động sản tăng 7% so với năm 2019. Tổng đầu tư vào bất động sản trong năm 2020 là 14.140 tỷ NDT (2.180 tỷ USD). Bên cạnh đó, thị trường việc làm vẫn duy trì sự ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp tại các khu đô thị là 5,6%, thấp hơn so với mục tiêu 6% mà chính phủ đề ra trong năm. Ước tính, Trung Quốc có tổng cộng 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra tại các khu đô thị trong năm 2020, qua đó hoàn tất mục tiêu đề ra cho cả năm là 131,8%.

Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc, chỉ số chính đo lường mức tăng trưởng tiêu dùng, trong năm 2020 đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt 11.760 tỷ NDT (1.814 tỷ USD), tăng 10,9% so với năm 2019.

Rủi ro bất động sản và tín dụng

 Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý 4-2020 nhờ nhu cầu trong và ngoài nước mạnh hơn cũng như chính sách kích thích, dự kiến sẽ tạo ra động lực vững chắc vào năm 2021. Các nhà phân tích dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi ở mức 8,4% trong năm 2021 - mức tăng mạnh nhất trong một thập niên trước khi chững lại ở mức 5,5% trong năm 2022. 

Trước đó, theo một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 10% và vẫn là một trong những mức tăng trưởng cao ấn tượng trên thế giới trong năm 2021. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu tăng lãi suất cho vay vào năm tới. Đồng nội tệ NDT của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021 và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ mở đường cho sự tăng giá hơn nữa của các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.

Mặc dù các nhà phân tích đã trở nên lạc quan hơn trong những tháng gần đây song vẫn còn khả năng xảy ra những diễn biến bất ngờ. Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc và Mark Williams, Trưởng nhóm kinh tế châu Á của Capital Economics, cảnh báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số rủi ro tiêu cực lớn từ lĩnh vực bất động sản và thị trường tín dụng. 

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng đã cảnh báo về một môi trường “ảm đạm và phức tạp” ở cả trong và ngoài nước do “tác động khủng” của đại dịch.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cho một số nhà cung cấp cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei (Trung Quốc), trong đó có nhà sản xuất chip Intel, về việc thu hồi một số giấy phép bán hàng cho Huawei và có thể sẽ từ chối hàng chục đơn xin cấp phép cung cấp khác cho gã khổng lồ công nghệ này.

Trước động thái mới trên, đang có khoảng 150 đơn xin chờ được cấp giấy phép với tổng giá trị hàng hóa và công nghệ lên tới 120 tỷ USD. Tất cả đang bị đình lại do các cơ quan khác nhau của Mỹ không thể thống nhất việc cấp phép hay không. 

Tin cùng chuyên mục