Kinh tế Trung Đông - Bắc Phi tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành dữ dội khắp thế giới, Viện Tài chính quốc tế (IIF) vừa đưa ra dự đoán kinh tế khu vực Trung Đông - Bắc Phi có thể sụt giảm 2,4% và sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ năm 1990.
Phun khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Dubai, UAE thuộc Trung Đông. Ảnh: THX
Phun khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Dubai, UAE thuộc Trung Đông. Ảnh: THX

Suy giảm nhiều mặt

Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế khu vực, IIF nhận định suy thoái toàn cầu sẽ dẫn đến sụt giảm thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, du lịch và nguồn kiều hối của các nước như Ai Cập, Jordan, Morocco và Lebanon. Đặc biệt, Ai Cập sẽ chứng kiến tình trạng sụt giảm mạnh nguồn thu từ kênh đào Suez.

Báo cáo cũng cho rằng dòng vốn nước ngoài chảy vào khu vực Trung Đông - Bắc Phi dự kiến sẽ giảm từ mức 182 tỷ USD năm 2019 xuống còn 101 tỷ USD năm 2020. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ khu vực này, chủ yếu dưới hình thức các quỹ đầu tư quốc gia (SWFs) cũng sẽ giảm tương ứng từ 215 tỷ USD xuống 136 tỷ USD trong năm nay. Điều này cho thấy nhiều chính phủ khu vực đang phải tăng cường sử dụng SWF để bù đắp cho tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.

Liên quan tới giá dầu thô toàn cầu, IIF nhận định 9 nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt tại Trung Đông - Bắc Phi có thể ghi nhận nguồn thu giảm tổng cộng 192 tỷ USD trong năm 2020, khiến những nước này đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách kỷ lục và nợ công tăng. Hệ quả, cán cân tài khoản vãng lai của những nền kinh tế này sẽ dịch chuyển từ mức thặng dư trung bình 65 tỷ USD năm 2019 sang thâm hụt 67 tỷ USD năm 2020, đồng thời thâm hụt ngân sách tăng từ mức 2,9% GDP lên 9,1% GDP.

Cũng theo báo cáo, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế đi lại và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, bên cạnh giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, dẫn đầu là Nga, không thể đồng thuận nhằm cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường.

Ra sức đối phó

Tại châu Á, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia ra sức đối phó với suy giảm kinh tế bằng nhiều biện pháp. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 30-3 thông báo sẽ bơm thêm 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng qua hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất với công cụ này cũng giảm từ 2,4% xuống 2,2%. Động thái trên được công bố sau khi các lãnh đạo cấp cao nước này ra tín hiệu Bắc Kinh sẽ tung kích thích quy mô lớn hơn, nhằm chặn lại tác động kinh tế từ dịch bệnh. Khi GDP vốn đang đi xuống do các nhà máy đóng cửa và người dân hạn chế đi lại, kinh tế Trung Quốc lại chịu thêm sức ép do nhu cầu bên ngoài giảm sút vì dịch bệnh lây lan. Việc này khiến giới chức phải chuyển hướng chính sách. Đến nay, quy mô kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn rất nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, Chính phủ Australia cam kết chi thêm 130 tỷ AUD (tương đương 79,85 tỷ USD), trong đó tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động đang chịu tác động tiêu cực từ Covid-19. Chính phủ sẽ dành khoản chi trả cố định 1.500 AUD/2 tuần (tương đương 885 USD) cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch trong 6 tháng tới và khoản tiền này sẽ được chi trả thông qua hệ thống trả lương tại doanh nghiệp. Khoản hỗ trợ này được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh bị thiệt hại 30% doanh thu, các nhà máy có doanh thu trên 1 tỷ AUD (tương đương 590 triệu USD) và bị giảm 50% doanh số kinh doanh do dịch bệnh. Những trường hợp người lao động được mức lương cao hơn 1.500 AUD/2 tuần thì phần chênh lệch doanh nghiệp phải tự trả.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in thông báo Chính phủ Hàn Quốc sẽ cấp tiền hỗ trợ khẩn cấp trong thảm họa cho phần lớn các hộ gia đình trên cả nước. Theo kế hoạch, mỗi gia đình 4 người với tổng thu nhập từ mức 70% trở xuống so với thu nhập bình quân của các hộ gia đình, sẽ nhận được 1 triệu won (820 USD). Điều này đồng nghĩa các cá nhân có thu nhập tương đối thấp sẽ được chi trả mức lương chuẩn. Ước tính khoảng 14 triệu hộ gia đình Hàn Quốc (35 triệu người) sẽ được nhận viện trợ.

Chỉ trong 2 tuần, người dân Anh đã tích trữ số thực phẩm trị giá tới 1 tỷ bảng (1,24 tỷ USD) bất chấp chính phủ và doanh nghiệp trấn an rằng nguồn cung thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu. Sự hoảng loạn của người dân buộc các siêu thị phải giới hạn số lượng nhu yếu phẩm mỗi người được mua. Đây là lần đầu tiên các siêu thị ở Anh quy định hạn chế như vậy kể từ Thế chiến II. Các siêu thị cũng giới hạn số người vào cửa hàng để đảm bảo tuân thủ quy định về giãn cách xã hội.

Tin cùng chuyên mục