Kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau sự suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 là chưa chắc chắn và không đồng đều. Một số nền kinh tế mới nổi và phần lớn các nước có thu nhập thấp có nguy cơ tăng trưởng thấp hơn dự kiến.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ dần phục hồi. Ảnh: Reuters
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ dần phục hồi. Ảnh: Reuters

Thương mại là cốt lõi của sự phục hồi

Mới đây, tại một sự kiện do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tổ chức theo hình thức trực tuyến, bà Kristalina Georgieva cho biết, phải nỗ lực hơn nữa để thương mại trở lại thành động lực tăng trưởng và tận dụng những cơ hội mà nó mang lại. Bà Georgieva dự báo, khối lượng thương mại hàng hóa có thể tăng 8,5% trong năm nay và tăng 6,5% trong năm tới. Bà cũng đưa ra dự báo, đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc, sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%.

Cùng lúc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông David Malpass khẳng định, tổ chức này sẽ triển khai chương trình vaccine Covid-19 ở 30 quốc gia vào cuối tháng 4, với khoản tài trợ khoảng 2 tỷ USD. Ông David Malpass cũng cho rằng, thương mại mở rộng là cực kỳ quan trọng đối với sự phục hồi của các nước đang phát triển: “Thương mại sẽ là cốt lõi của quá trình phục hồi. Tôi nghĩ giờ đã đến lúc giảm thuế quan cùng các hạn chế và chúng tôi làm việc trực tiếp với các quốc gia để cố gắng hỗ trợ những nỗ lực đó”.

Trước đó, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 4,3%. Trong báo cáo mới nhất dài 22 trang, UNCTAD nêu rõ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp diễn trong cả năm 2021, cho dù vẫn còn những thay đổi khó lường do bất ổn về dịch bệnh, chính sách và hợp tác. UNCTAD ước tính sản lượng kinh tế thế giới đã giảm 3,9% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19. Dịch bệnh cũng khiến thu nhập giảm sút ở mức chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là đối với người dân ở các nước đang phát triển. Tình hình thậm chí có thể còn tồi tệ hơn nếu các ngân hàng trung ương không có các biện pháp chủ động phòng ngừa để tránh rơi vào suy thoái tài chính. 

Mỹ chuẩn bị chi 3.000 tỷ USD

Trong khi đó, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ lại có phản ứng trái ngược. Ngày 24-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát đi tín hiệu rằng Tổng thống Joe Biden có thể đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28% và sẽ tìm giải pháp để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động kinh doanh về nước. Bà Janet Yellen cho rằng, các khoản đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng sẽ giúp nền kinh tế tạo việc làm tốt và những thay đổi trong cấu trúc thuế sẽ giúp chi trả cho những chương trình này.

Tổng thống Joe Biden cam kết sớm đề xuất một gói đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ giúp tạo việc làm và chống biến đổi khí hậu. Hiện, đội ngũ cố vấn kinh tế của chính phủ Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho kế hoạch chi tiêu trị giá 3.000 tỷ USD, trong đó chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các chương trình chăm sóc trẻ em. Kế hoạch này sẽ được tách thành 2 dự luật riêng rẽ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất đồng về cách thức cấp ngân sách cho dự luật. Đảng Dân chủ có khả năng sẽ thúc đẩy việc tăng thuế đối với những người Mỹ giàu có để bổ sung ngân sách, một động thái mà đảng Cộng hòa sẽ phản đối.

Tin cùng chuyên mục