Kinh tế Đà Nẵng sôi động nhìn từ ngành dịch vụ và bán lẻ

Tại TP Đà Nẵng, nhu cầu du lịch tăng mạnh kể từ giữa quý I-2022 đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động, tác động tích cực đến tăng trưởng khu vực dịch vụ, đặc biệt là trong quý II-2022. Hầu hết các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn đều ghi nhận sự tăng trưởng trở lại từ lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Hầu hết các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Nẵng đều ghi nhận sự tăng trưởng trở lại từ lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm.
Hầu hết các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Nẵng đều ghi nhận sự tăng trưởng trở lại từ lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Nhiều khởi sắc

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho hay, tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng VA khu vực dịch vụ ước đạt 9,82% so với cùng kỳ, tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ vào mức tăng chung đạt 89,95%. Hoạt động mua sắm trực tiếp đang có những dấu hiệu phục hồi tốt sau khi đại dịch được khống chế, cùng với đó thương mại điện tử vẫn không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Tăng trưởng toàn ngành thương mại 6 tháng ước đạt 5,9% so với cùng kỳ, đóng góp 0,69 điểm phần trăm, với tỷ trọng đóng góp 9,5% vào mức tăng GRDP chung.

Về lĩnh vực thương mại, ước tính 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 31.917 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 6/11 nhóm hàng tăng cao hơn mức tăng chung bao gồm: đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+36,6%); hàng may mặc (+31,4%); ô tô các loại (+21,8%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+20,1%); xăng, dầu các loại (+16,3%); lương thực, thực phẩm (+13,6%); 3/11 nhóm hàng hóa doanh thu giảm so với cùng kỳ bao gồm: phương tiện đi lại trừ ô tô (-7,0%); sửa chữa xe có động cơ (-4,9%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (-4,6%).
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng của các ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Tổng Cục thống kê TP Đà Nẵng

Theo đánh giá của Sở Công Thương, thương mại, dịch vụ tăng trưởng trở lại sau 2 năm đình trệ cho thấy, mức tiêu dùng của người dân đang tăng dần. Tiếp đà tăng trưởng, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị cũng nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; tập trung vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu (chủ yếu thông qua kết nối của các Thương vụ Việt Nam ở các nước; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến qua kết nối điện tử theo Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia…).

Các sản phẩm, đơn vị kinh doanh được hỗ trợ thông qua nhiều chương trình của Sở, Bộ Công thương

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động thông tin, tập huấn về các hiệp định thương mại tự do và chương trình của Bộ Công Thương như hội thảo tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế hoặc phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đơn vị trên địa bàn.

Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa

Là đơn vị thường xuyên tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm kiếm những sản phẩm mới chất lượng, bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Danavi cho rằng, mặc dù hiện tại, số lượng sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng có mặt ở hệ thống siêu thị chưa nhiều nhưng các mặt hàng đã vào được siêu thị thì tiêu thụ rất tốt. Đơn vị luôn dành sự ưu tiên cho sản phẩm đến từ các hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn. Những sản phẩm phù hợp tiêu chí của siêu thị sẽ được xem xét hỗ trợ giảm những chi phí ban đầu.

Người dân mua hàng ở siêu thị Danavi 

Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi ngày siêu thị đón gần 4.000 lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ; doanh số trung bình tăng 11% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đắc Thuận, Trưởng phòng Maketing- siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, khách hàng đến siêu thị không chỉ để mua sắm mà còn tham quan, sử dụng các dịch vụ vui chơi, ăn uống… Thời điểm này, học sinh được nghỉ hè, phụ huynh cho con đi chơi rất đông, do đó, dự báo lượng mua sắm còn tiếp tục tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tìm các giải pháp để bình ổn thị trường hàng hóa trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao

Đặc biệt, dù chịu áp lực về yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tìm các giải pháp để bình ổn thị trường hàng hóa trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao; đồng thời khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Theo bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Co.opmart Sơn Trà, đến nay, siêu thị phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô. Mức dự trữ cho 3 tháng của các nhóm hàng này khoảng 80 – 100 tấn, mức giảm giá dự kiến từ 10% - 25%.

“Nguyên tắc của chúng tôi là khi một nhóm hàng hoá bắt buộc phải điều chỉnh giá tăng thì chúng tôi sẽ thương thảo với các nhà cung cấp chiến lược chuẩn bị một nhóm hàng hoá khuyến mãi, giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn tiết kiệm”, bà Yến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục