Kinh phí phim truyền hình… dậm chân tại chỗ

Sau nhiều năm, bên cạnh số rất ít đơn vị chịu chi, kinh phí sản xuất phim truyền hình cơ bản vẫn không tăng. Thậm chí, có đạo diễn còn than thở: “Việt Nam có lẽ là nước duy nhất giữ được giá sản xuất phim truyền hình cả chục năm không đổi”.  
Cây táo nở hoa được đầu tư kinh phí cao so với mặt bằng phim truyền hình phía Nam. Ảnh: ĐPCC
Cây táo nở hoa được đầu tư kinh phí cao so với mặt bằng phim truyền hình phía Nam. Ảnh: ĐPCC

Ổn định bền vững

Đó là cụm từ giới làm phim nói với nhau khi đề cập đến kinh phí sản xuất phim truyền hình. Bởi nhiều năm qua, mức giá trung bình vẫn là 180 triệu đồng/tập, bất kể vật giá leo thang. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, chia sẻ: “Nói là 180 triệu đồng, nhưng thực chất kinh phí dành cho sản xuất cao lắm cũng chỉ được 150 triệu đồng, sau khi trừ các khoản phát sinh”. NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS), cho biết, với các đơn vị làm phim nhà nước, số tiền ấy được bảo toàn, thậm chí có thể cao hơn nếu lý do chính đáng. Nhưng với các hãng phim tư nhân, đặc biệt là các đơn vị gia công, qua các khâu trung gian, số tiền đều bị giảm đi.  

Kinh phí thấp và không thay đổi sau nhiều năm thực sự là bài toán khó đối với các đơn vị sản xuất. Tất yếu nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bộ phim, bởi các công đoạn nhà sản xuất (NSX) luôn trong tâm thế “thắt lưng buộc bụng”. Đạo diễn Đinh Đức Liêm thẳng thắn: “Dù có chuẩn bị kịch bản hoàn chỉnh tới đâu, tính toán dàn dựng, phối hợp máy quay thế nào, diễn viên thuộc thoại, nắm bắt tâm lý kỹ càng, nhưng lúc quay cụ thể có những biến động nhiều khi không như ý. Sự chuẩn bị của các khâu chưa đồng bộ cũng phải lướt cho qua, vì chậm tiến độ là ảnh tưởng tới toàn bộ quy trình”. 

Ông Lý Quang Trung cho hay: “Không tìm được diễn viên gạo cội buộc chúng tôi phải tìm diễn viên mới, dù giá tốt hơn, nhưng ít người biết đến, khán giả thấy lạ lẫm và khó quảng bá”. Quy luật sàng lọc khắc nghiệt của thị trường trong những năm qua buộc không ít đơn vị sản xuất phải rời cuộc chơi. Bà Bích Liên cho biết, sở dĩ mình còn trụ vững là bởi xác định đây là cái nghề, phải tính toán lấy lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau, duy trì công việc cho anh em ê kíp. “Với tình hình quảng cáo khó khăn như hiện tại, sau khi trả lãi ngân hàng, cân đối mọi thu chi, việc sản xuất hòa vốn đã là may mắn”, bà Liên nói.  

Liệu cơm gắp mắm

Để giải bài toán chi phí bối cảnh, theo đạo diễn Đinh Đức Liêm: “Phải chấp nhận những bối cảnh cũ đã quay trong nhiều phim, vì đã có giá cố định, bớt phải kiếm mới, đi xa để giảm chi phí”. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền từng kể, thời điểm quay Tiếng sét trong mưa, bối cảnh chính của phim dự định ở mỏ than, nhưng vì kinh phí đội lên quá lớn nên phải chuyển thành rừng cao su. Bối cảnh nhà cổ dù tìm được, giá thuê tốt, nhưng: “Để tiết kiệm, ngày nào chúng tôi cũng quay đến 11-12 giờ đêm, thậm chí có hôm 2-3 giờ sáng mới đóng máy”.  

Bài toán thời gian cũng được xem là cách tiết giảm chi phí hiệu quả. Với nhiều phim có kinh phí rộng rãi, thời gian quay mỗi tập phim có thể kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, trung bình hiện nay thời gian quay khoảng 2 ngày/tập, thậm chí có đoàn ép tiến độ 3 ngày/2 tập. 

Trong khó khăn đó, vai trò đầu tàu của đạo diễn càng quan trọng hơn bao giờ hết. Một số NSX cho rằng, ngay cả phim được đầu tư nhiều tiền, nếu năng lực đạo diễn không giỏi sẽ làm giảm chất lượng bộ phim. Bởi trên thực tế, từ kịch bản trên giấy đến khi phim hoàn thành là cả khoảng cách. Với những bộ phim có kinh phí hạn chế, đạo diễn càng phải thông minh, nhạy bén trong tổ chức để điều khiển công việc nhịp nhàng, nhanh gọn. Nếu chậm chạp, thậm chí không biết xử lý các tình huống linh hoạt, tất yếu sẽ quay chậm và ảnh hưởng tới kinh phí phim. 

Vài năm trở lại đây, tín hiệu tích cực là dù đối diện với nhiều khó khăn, chất lượng phim truyền hình vẫn được đảm bảo. Điều này sở dĩ có được, trước hết xuất phát từ sự ý thức của đội ngũ làm phim. Kinh phí khó khăn, nhiều diễn viên chấp nhận không tăng cát-xê. Ngược lại, họ còn đầu tư nhiều hơn cho vai diễn, không còn cảnh cùng lúc nhận lời 2-3 phim, bởi thực tế, cơ hội làm nghề giảm rõ rệt so với thời kỳ bùng nổ của phim truyền hình. Bản thân NSX cũng chọn lọc kỹ càng kịch bản, thanh lọc đội ngũ và chỉ những người thật sự tâm huyết mới ở lại. “Tôi mong nếu kinh phí trung bình tăng lên mức 250 - 300 triệu đồng, chắc chắn chất lượng phim truyền hình sẽ có nhiều khởi sắc”, bà Bích Liên nói.

Thời gian gần đây, nhiều phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) luôn được đầu tư cao, lên đến 400 - 500 triệu đồng/tập. “Vấn đề này trong ngành đã bàn luận nhiều năm rồi và đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Hiện tại, việc khán giả đang tiếp cận với phim truyền hình thông qua đa nền tảng (tivi, online) đã giúp các nhà đầu tư, NSX tự tin hơn với việc đầu tư chi phí cao cho phim truyền hình”, đạo diễn Võ Thạch Thảo (phim Cây táo nở hoa) cho biết. 

Tin cùng chuyên mục