Kiến trúc cao tầng ven sông, biển: Tất yếu nhưng phải thận trọng

Sáng 4-7, tại TP Đà Nẵng, Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc và Hội KTS TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tọa đàm “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển: Tầm nhìn và giải pháp”. Tại buổi tọa đàm, các nhà quy hoạch, KTS cho rằng, phát triển kiến trúc cao tầng ven biển là tất yếu nhưng cần phải thận trọng khi thực hiện...
Kiến trúc cao tầng ven sông, ven biển là tất yếu nhưng cần thận trọng
Kiến trúc cao tầng ven sông, ven biển là tất yếu nhưng cần thận trọng

Tiềm ẩn những hệ lụy

Nghị quyết số 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và là Thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á”. Tầm nhìn đó đã đặt ra cho các chuyên gia, trong đó có các KTS rất nhiều việc phải làm.

“Không gian kiến trúc cao tầng ven biển” -  một vấn đề nhỏ nhưng tác động có thể lớn đến sự phát triển hợp lý, bền vững và có bản sắc của các đô thị ven biển ở nước ta, mà Đà Nẵng là trường hợp đại diện tiêu biểu.

KTS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kiến Trúc sư Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

KTS Nguyễn Quốc Thông: Hiểu rõ và nhận thức đúng vai trò, vị thế và tầm quan trọng của các đô thị biển, trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển đã, đang và sẽ luôn chú trọng quan tâm khai thác hiệu quả những đặc điểm cấu trúc cảnh quan tự nhiên để phát triển đô thị có thương hiệu, bền vững.

Về cơ bản, Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố địa lý – kinh tế - chính trị quan trọng cho việc thực hiện ý tưởng phát triển cấu trúc một đô thị biển có đặc điểm riêng, với các yếu tố cảnh quan, các công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng hài hòa, thân thiện, hướng tới tầm nhìn trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định.

Riêng đối với Đà Nẵng, sau gần 20 năm phát triển với nhiều thành công nổi bật, đang đi tiên phong  trong việc xây dựng thương hiệu một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một thành phố biển đáng sống, nhất là có đẳng cấp của khu vực, về đô thị, Đà Nẵng chắc chắn phải lựa chọn mô hình cấu trúc không gian đô thị mới, vừa cho phép khắc phục được những hạn chế của quá trình phát triển đã qua vừa đảm bảo sự phát triển không gian đô thị có chất lượng bền vững và có bản sắc trong tương lai, trong đó không gian đô thị ven sông, biển với kiến trúc cao tầng là một trong những nội dung có tầm quan trọng nhất định đối với chất lượng môi trường sống và hình ảnh đô thị của Đà nẵng.
Theo GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Đà Nẵng là một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng: từ “cổng trời” Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước - Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà tráng lệ. Nếu đứng từ “cổng trời” Hải Vân, nhìn xuôi về phía Nam nơi con sông Hàn chảy qua, đổ vào vùng cửa vịnh Đà Nẵng (với khoảng 30 km bờ biển có nhiều bãi biển đẹp) mới cảm nhận hết vẻ quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố này... Hơn nữa, Đà Nẵng lại nằm giữa vùng kề cận ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển.
GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chỉ ra những hệ lụy khi xây dựng nhà cao tầng dày đặc dọc ven biển
Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển chịu nhiều tác động lớn khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Bởi việc xây dựng này sẽ nhanh chóng mang đến một diện mạo kiến trúc cảnh quan mới, được coi là hiện đại mà trước đây đô thị không có được (Tuyến đường Trần Phú của TP Nha Trang là một ví dụ).
Trong điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng lần này có thể xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao… Và có thể áp dụng mô hình “đô thị nén/mật độ cao” hoặc khả năng điều chỉnh cao tầng theo mô hình TOD ở một số vị trí được lựa chọn cụ thể, trong đó có khu vực trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và khu vực ven biển (Phía Tây các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị. Tuy nhiên, phải trên quan điểm bảo vệ, khai thác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị, đảm bảo các yêu cầu về an toàn bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng (khu vực hành lang kĩ thuật “tĩnh không đầu và không sườn” của sân bay).
Kiến trúc cao tầng ven sông, biển: Tất yếu nhưng phải thận trọng ảnh 3KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày những giải pháp về kiến trúc cao tầng tại buổi tọa đàm
Tất yếu nhưng phải thận trọng
Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Những năm gần đây, Đà Nẵng luôn được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Đó vừa là niềm vui, niềm tự hào và là sự khích lệ to lớn đối với những người đã và đang đóng góp cho sự xây dựng phát triển của đô thị Đà Nẵng hơn 20 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đà Nẵng cũng bộc lộ những hạn chế biểu hiện trước mắt và tiềm ẩn những hệ luỵ trong tương lai. Cụ thể, việc đô thị phát triển nhanh trong khi chưa thực sự khai thác hết lợi thế từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, xu hướng xây dựng dàn trải với kiến trúc thấp tầng… đã khiến cho hiệu quả sử dụng đất thấp, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ… Đặc biệt, việc phát triển các công trình kiến trúc cao tầng ven sông, ven biển cũng đang là một vấn đề “nóng” của Đà Nẵng.
Kiến trúc cao tầng ven sông, biển: Tất yếu nhưng phải thận trọng ảnh 4 Các KTS, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch tham gia tọa đàm
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, qua các tham khảo điển cứu quy hoạch khu vực ven biển và ven sông của TP New York, có thể giới thiệu các định hướng chiến lược Quy hoạch Khu vực ven biển và ven sông của Đô thị Biển Đà Nẵng như: tạo kết nối công cộng  tiện lợi, mở rộng kết nối công cộng ra bờ biển, bờ sông, và giao thông thủy, tại các khu đất công và đất tư trong thành phố, để phục vụ cho người dân và khách du lịch; cần tạo ra các không gian sinh động ven biển và ven sông hấp dẫn, liên kết với không gian trung tâm của các cộng đồng dân cư lân cận; hướng đến hiệu quả kinh tế cao; tăng chất lượng môi trường sinh hoạt ven bờ; khôi phục các khu vực sinh thái ven biển và ven sông bị xuống cấp, bảo vệ các khu vực túi nước tự nhiên và môi trường sống ven bờ; nâng cao hiệu quả phục vụ công cộng của các tuyến đường thủy bao quanh đô thị biển; cải thiện các chính sách và quy định của chính phủ, trong cơ cấu phối hợp đa ngành về quản lý và phát triển khu vực ven bờ và giao thông đường thủy; xác định nguy cơ và đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm tăng khả năng phục hồi của thành phố trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

KTS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển Hạ tầng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, các công trình cao tầng ven biển là điểm nhấn của đô thị, tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch địa phương.

Quá trình phát triển nhà cao tầng cần chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ kèm theo, chú trọng giữ gìn bản sắc đặc trưng của môi trường tự nhiên của địa phương. Biến đổi khí hậu đối với nhà cao tầng ven biển có tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực. Cần có các biện pháp phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu như đưa ra các dự báo sớm về mực nước biển dâng hay các cơn bão sắp tới… với độ chính xác cao.

Thực tế đã cho thấy, đô thị du lịch trên thế giới đều trải qua, đó là phát triển xây dựng nhà cao tầng gần sát bãi biển để phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Nhiều thành phố du lịch trên thế giới đã sử dụng nhà cao tầng để làm công cụ theo hướng phát triển “đô thị nén”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc xây dựng nhà cao tầng ven biển là một tất yếu của nền kinh tế du lịch biển. Mặt khác kiến trúc cao tầng ven biển cần được áp dụng một cách thận trọng. Cách sử dụng kiến trúc cao tầng ở các đô thị biển nhằm tối ưu hóa cảnh quan, không gian và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch. Cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển.

“Việc xây dựng nhà cao tầng ven biển là một tất yếu của nền kinh tế du lịch biển. Mặt khác kiến trúc cao tầng ven biển cần được áp dụng một cách thận trọng. Cách sử dụng kiến trúc cao tầng ở các đô thị biển nhằm tối ưu hóa cảnh quan, không gian và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch. Cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển” – KST Lưu Đức Hải.

GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, tại Tọa đàm, bên cạnh những kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển không gian kiến trúc đô thị ven sông, biển được đề cập, thì những định hướng giải pháp phù hợp với Đà Nẵng sẽ được trao đổi. Vì thế, những vấn đề chính mong được các chuyên gia và KTS trao đổi tại Tọa đàm là:

(1) Phát triển kiến trúc cao tầng, ngay cả đối với đô thị biển là xu hướng tất yếu trên thế giới. Điều đó có phù hợp với các đô thị ven biển ở nước ta không?

(2) Bên cạnh nhu cầu tất yếu là tiếp cận biển của cộng đồng dân cư thông qua các không gian công cộng, thì tính chất sống động của một đô thị (cuộc sống đô thị) thông qua sự đa dạng và hỗn hợp chức năng của các tổ hợp công trình, trong đó có các kiến trúc cao tầng, ngay cả đối với đô thị du lịch nghỉ dưỡng, liệu  có cần không? Tính nhân văn và tỷ lệ người của các không gian đô thị đó?

(3) Đối với trường hợp Đà Nẵng, nhất là khu vực bãi biển phía Đông thành phố, thì: Mô hình đô thị nào là phù hợp, cho phép phát triển kiến trúc cao tầng mà vẫn tạo được cuộc sống đô thị và đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên Chủ đầu tư - Chính quyền và Cộng đồng dân cư đô thị. Có phải là mô hình TOD? Khai thác những giá trị cảnh quan tự nhiên nào ngoài biển (Sông và Đầm phá) để tạo nên bản sắc của không gian kiến trúc đô thị Đà Nẵng? Và Đà nẵng có đủ điều kiện trở thành thành phố xanh (sinh thái)?

Tin cùng chuyên mục