Kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Ngày 5-12, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, nhìn lại quá trình gần 15 năm kể từ ngày thành lập, đến nay Hội đã trưởng thành rõ rệt.

Tổ chức Hội đã được thành lập ở 63 tỉnh thành, 615 huyện, quận, 6.551 xã, phường với số hội viên trên 400.000 người. Hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đặc biệt, VAVA đã vận động được trên 1.934 tỷ đồng thực hiện các kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh đòi chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ thực hiện công lý đối với nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 2014 -2018, thành tựu nổi bật nhất của VAVA là công tác giúp đỡ chăm sóc nạn nhân khi đã xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng, các cơ sở xông hơi giải độc phục hồi sức khỏe thuộc Trung ương Hội và 4 tỉnh; xây dựng 1.550 nhà tình nghĩa, tình thương và nhiều hoạt động hỗ trợ khác cho nạn nhân da cam khắp cả nước.

Kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ảnh 1 Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ IV

Đánh giá kết quả của VAVA trong nhiệm kỳ qua, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, với tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam”, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, các cấp Hội phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp hội. Kiên trì cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, bởi cuộc đấu tranh này không chỉ là giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn góp phần ngăn ngừa chiến tranh, ngăn ngừa sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Đồng thời tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học gây ra.

Kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ảnh 2 Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần nhiều sự giúp đỡ hơn của cộng đồng xã hội

Trong giai đoạn năm 2018 -2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đặt ra mục tiêu xây mới và sửa chữa được 1.000 căn nhà; hỗ trợ học bổng 2.000 xuất; hỗ trợ vốn sản xuất 1.000 gia đình nạn nhân chất độc da cầm; cấp cho 80% nạn nhân có nhu cầu xe lăn. 100% nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết.

Tin cùng chuyên mục