Kiên trì cầm cự

Nhiều doanh nghiệp du lịch đang kiên trì cầm cự… giảm chi tiêu, tiết kiệm tối đa, một số khác (không nhiều) chuyển hướng sang kinh doanh ở lĩnh vực mới để “nuôi” nghề cũ. 

Nửa năm 2020, tình hình kinh doanh của các công ty du lịch cực kỳ ảm đạm, bết bát. Nguyên nhân, do Covid-19 tái bùng phát khiến cho các ngành nghề kinh doanh đều gặp thách thức.

Công ty CP Du lịch P.T, lỗ gộp 6 tháng hơn 144 tỷ đồng. Một doanh nghiệp du lịch khác tại TPHCM, báo lỗ trước thuế hơn 180 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy vậy, điểm chung của những doanh nghiệp này là không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm bám trụ chờ dịch đi qua.

Bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng giám đốc BenThanh Tourist, cho biết, tại khách sạn Viễn Đông (Phạm Ngũ Lão, quận 1) có những ngày chỉ đón vài khách tới ăn uống. Để khắc phục, khách sạn Viễn Đông kinh doanh thêm cơm trưa văn phòng, đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến, giảm giá phòng họp.

Các khách sạn trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng có những chương trình khuyến mãi đậm như gói trải nghiệm (nghỉ đêm, massage…) đẳng cấp 5 sao; phục vụ bữa trưa, giao thức ăn tận nơi cho khách…

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành thông tin rằng họ và nhân viên đều hưởng chung mức lương cơ bản mỗi tháng; làm việc luân phiên trong tuần.

Ở hàng loạt thương hiệu du lịch lớn khác, cả sếp lẫn nhân viên cùng  bươn chải đủ ngành nghề khác nhau để cầm cự, gầy dựng lại hoạt động lữ hành.

Anh T.P, hướng dẫn viên một công ty du lịch lớn tại quận 3 cho hay, đang cùng vợ giao thức uống nhanh (cà phê, nước ép trái cây, sữa chua các loại) phục vụ khách hàng là nhân viên công ty. Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại quận 1 chia sẻ, bản thân anh cũng đang làm quản lý quán cà phê để có “đồng ra đồng vô”.

“Trước đây, mức lương, phụ cấp của tôi khoảng 60 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, nên làm thêm chờ ngày quay lại với nghề”, vị này cho biết. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, chia sẻ thêm, công ty tạo điều kiện cho nhân viên làm đủ nghề kiếm thêm thu nhập. Chẳng hạn như cho mượn mặt bằng bán bánh mì, thức ăn các loại. 

Bươn chải, tìm nhiều cách để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại chính là một trong những phương pháp mà các doanh nghiệp du lịch đang làm. Điều này cho thấy sự quyết tâm của ngành du lịch, tìm kiếm cơ hội trong khó khăn và sẵn sàng để trở lại với nghề.

Tin cùng chuyên mục