Kiến nghị xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành cách ly

Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành cách ly. UBND TPHCM kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành cách ly tại nhà của của bệnh nhân thứ 100 (dù thuộc diện cách ly tại nhà nhưng vẫn đi lễ 5 lần/ngày-PV), kể cả đối với cán bộ, công chức địa phương được giao giám sát nếu lơ là, thiếu trách nhiệm.

 

Chiều ngày 23-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 để nghe báo cáo tình hình và đưa ra các quyết sách.

Kiến nghị xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành cách ly ảnh 1 Ảnh: VGP
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Hiện vẫn còn tình trạng tập trung ăn nhậu nhiều tại các quán ăn, sàn nhảy, điểm vui chơi, một số nhà thờ lớn vẫn làm lễ đông người. Thủ tướng cho rằng, cần đề xuất biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn hiệu quả đỉnh dịch.

Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng chống dịch Covid-19 có 3 vòng phải làm tốt.

Thứ nhất, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh một cách quyết liệt, cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt.

Thứ hai, tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định quyết liệt dù tốn kém.

Thứ ba, có phương thức cách ly đặc biệt tại gia đình hoặc khu vực giám sát của ngành y tế với quy trình chặt chẽ, không để lây ra cộng đồng.

“Xã hội rất quan tâm đến các bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ cách ly và các đối tượng liên quan dễ lây nhiễm”, Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (tính đến 12h hôm nay, 23/3), thế giới ghi nhận 338.727 trường hợp mắc COVID-19 (nCoV) tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 quốc gia có trên 10.000 ca mắc, 14.687 trường họp tử vong, trong đó Italy: 5.476, Trung Quốc: 3.270, Tây Ban Nha: 1.772, Iran: 1.685, Pháp: 674, Mỹ: 452, Anh: 281…

Tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 đang tăng lên. Đến nay đã có 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, không ghi nhận tử vong.

Về nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ riêng 2 ngày 21-3 và 22-3, nhập cảnh qua biên giới là 9.040 người (Việt Nam 6.149, Trung Quốc 2.882, Lào 7, nước khác 1); xuất cảnh là 7.373 người (Việt Nam 4.086; Trung Quốc 3.163; Lào 94). Nhập cảnh qua đường hàng không ngày 21-3 là 3.894; ngày 22-3 là 3.822 người, trong đó số người nước ngoài nhập cảnh 2 ngày là 801 người.

Tính đến hết ngày 22-3, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.790 người (1.376 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú). 75% số ca nhiễm mới là từ nước ngoài về.

VPCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với tất cả người nhập cảnh, trừ một số trường hợp đặc biệt như công vụ, ngoại giao; Giao quân đội tiếp tục chủ trì điều hành, điều phối việc cách ly tập trung, kể cả đối với các cơ sở cách ly tập trung do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND tỉnh thành huy động  (khách sạn, ký túc xá..); Thực hiện thu phí đối với người tự nguyện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung ngoài quân đội (tại khách sạn, resort, cơ sở lưu trú..).

Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo UBND tỉnh, thành có phương án chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung nâng quy mô đến 100.000 người. Bộ Y tế khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19, chỉ định thêm các cơ sở y tế được xét nghiệm và tự công bố kết quả xét nghiệm.

VPCP cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành cách ly. UBND TPHCM kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành cách ly tại nhà của của bệnh nhân thứ 100 (dù thuộc diện cách ly tại nhà nhưng vẫn đi lễ 5 lần/ngày-PV), kể cả đối với cán bộ, công chức địa phương được giao giám sát nếu lơ là, thiếu trách nhiệm.

Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quyết liệt việc hạn chế tối đa và giãn cách các chuyến bay vận chuyển hành khách từ các nước đến Việt Nam, kể cả đối với các hãng hàng không nước ngoài (theo thống kê, từ ngày 20-3 đến ngày 22-3, có 35 chuyến bay của Việt Nam và 90 chuyến bay của các nước về Việt Nam; từ ngày 20-3 đến ngày 23-3, có 14.616 người nhập cảnh qua đường hàng không); Tăng cường kiểm soát biên giới với Lào, Campuchia (dự báo người Việt Nam từ các nước này về sẽ nhiều); Rà soát, bố trí đủ chỗ cách ly tập trung (vừa qua đã có hiện tượng quá tải một số khu cách ly tập trung tại Nghệ An, Quảng Trị); Giao UBND các tỉnh thành thực hiện quyết liệt việc rà soát, kiểm tra khai báo y tế đối với số người đã nhập cảnh trong vòng 14 ngày qua, hoàn thành chậm nhất vào ngày 24-3.

Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, VPCP đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét, giảm lãi suất cho vay tương ứng với mức giảm lãi suất điều hành của NHNN đối với các khoản cho vay mới và theo thẩm quyền xem xét, giảm lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng đã ký để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; xem xét tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng với kỳ hạn dài hơn để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn, hạ lãi suất cho vay.

Về lĩnh vực thuế, tài khóa, VPCP đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thời gian gia hạn đối với một số lĩnh vực thực sự khó khăn như ngành vận tải, du lịch cho phù hợp hơn (có ý kiến đề nghị gia hạn đến 12 tháng thay vì 5 tháng như hiện nay); khẩn trương đề xuất giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng.

Về ủng hộ công tác phòng chống Covid-19, tính đến trưa ngày 23-3 các tổ chức cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật là 302,78 tỷ đồng, trong đó đã chuyển tiền thực tế được gần 100 tỷ đồng (33%). Về nhắn tin ủng hộ qua số 1407, đến nay đã có 877.000 tin nhắn với tổng số tiền ủng hộ là 57,4 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục