Kiến nghị tăng chế tài với đương sự cố ý không chấp hành án

Trên thực tế có nhiều trường hợp khi kê biên tài sản, đến khi phải giao nhà thì cố tình khởi kiện để kéo dài vụ việc, thậm chí cố tình khiếu nại, tố cáo để kéo dài vụ việc.

Sáng 15-9, đoàn do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn, giám sát tình hình thực hiện Luật Thi hành án dân sự giai đoạn từ 1-1-2016 đến 30-6-2020 trên địa bàn quận 5.

Nhiều vướng mắc trong thi hành án dân sự

Báo cáo tại buổi giám sát, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 Vũ Thanh Xuân cho biết, đặc thù trên địa bàn quận thời gian qua là số vụ án ly hôn tiếp tục gia tăng, chiếm tới 80% số lượng án. Nhiều đối tượng lang thang, không nơi ở nhất định thường phạm tội tại các khu vực bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại trong địa bàn quận. Tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết triệt để, phát sinh nhiều tranh chấp phức tạp... Vì vậy, công tác thi hành án dân sự tại quận 5 cũng gặp nhiều khó khăn, khối lượng thụ lý tiếp tục tăng đã tiếp tục tạo áp lực đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Kiến nghị tăng chế tài với đương sự cố ý không chấp hành án ảnh 1 Đoàn ĐBQH TPHCM giám sát tại quận 5. Ảnh: MAI HOA

Một số vướng mắc được ông Vũ Thanh Xuân nêu cụ thể. Đó là, Luật Thi hành án dân sự quy định khi phát sinh tranh chấp tài sản kê biên (Điều 74, 75) được tòa án thụ lý giải quyết thì phải hoãn thi hành án.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp khi kê biên tài sản, chấp hành viên đã thông báo cho đương sự quyền khởi kiện nếu cho rằng có tranh chấp (thời hạn 30 ngày) nhưng đương sự hoặc người có liên quan không khởi kiện. Đến khi phát sinh trách nhiệm pháp lý trực tiếp (phải giao nhà) thì cố tình khởi kiện để kéo dài vụ việc, thậm chí cố ý khiếu nại, tố cáo để kéo dài vụ việc để trục lợi.

Cụ thể, khi kê biên tài sản thế chấp cho ngân hàng không phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, do nhà cho thuê thu tiền hàng tháng nên đến thời điểm giao nhà cho người mua trúng đấu giá thì khởi kiện tranh chấp thừa kế (giả tạo) để kéo dài nhằm tiếp tục thu tiền thuê nhà.

Kiến nghị tăng chế tài với đương sự cố ý không chấp hành án ảnh 2 Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 Vũ Thanh Xuân báo cáo trước đoàn giám sát. Ảnh: MAI HOA
Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 kiến nghị cơ quan cấp trên đánh giá tổng thể tính hiệu quả của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thực hiện rà soát, hệ thống và pháp điển hóa các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để ban hành một đạo luật và hoạt động công tác này theo hướng tăng cường tính chế tài trên thực tiễn đối với đương sự cố ý không chấp hành án.

Đồng thời, Chi cục cũng đề nghị cấp có thẩm quyền không cắt giảm biên chế đối với các cơ quan thi hành án dân sự tại địa bàn TPHCM vì thực tế số lượng biên chế chưa tương xứng với khối lượng công việc. Việc cắt giảm biên chế hàng năm những khối lượng công việc tăng hàng năm là không hợp lý, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án dân sự.

Quy định rõ những trường hợp tranh chấp tài sản khi kê biên thuộc diện phải hoãn thi hành án để tránh phát sinh các tranh chấp giả, cố ý kéo dài việc thi hành án, gây thiệt hại cho ngân hàng thương mại khi nhận tài sản thế chấp, phát sinh nợ xấu nhưng đương sự cố ý không trả nợ cho ngân hàng.

Ngoài ra, quận 5 cũng kiến nghị lãnh đạo TPHCM quan tâm bố trí kho hoặc cụm kho vật chứng cho cơ quan thi hành án dân sự vì hiện nay việc quản lý vật chứng tại quận 5 gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo ông Vũ Thanh Xuân, hiện nay Chi cục không có kho chứa tang vật. Những tang vật có kích thước lớn như xe máy trở lên đều phải gửi bên kho của công an, mà công an cũng đang quá tải, để tràn cả ra sân.

Tăng cường giải thích, tuyên truyền

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá cao kết quả công tác thi hành án trong thời gian báo cáo, đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo quận 5 và công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thi hành án. Đoàn ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan quận 5 để tập trung, kiến nghị với Quốc hội liên quan đến điều chỉnh, sửa đổi các luật và quy định khác có liên quan.

Kiến nghị tăng chế tài với đương sự cố ý không chấp hành án ảnh 3 Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Trưởng đoàn giám sát làm việc với quận 5 sáng 15-9. Ảnh: MAI HOA
Chia sẻ với tính chất khó khăn phức tạp của công tác thi hành án dân sự, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị Chi cục thực hiện đúng quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. ĐB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giải thích, vận động.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu thực tế, có những vụ cần thi hành án số tiền 60 triệu, bán đấu giá tài sản được 500 triệu, trừ chi phí đấu giá các thứ hết 3-400 triệu đồng nên số tiền còn lại không được bao nhiêu, gây ra dư luận không tốt về công tác thi hành án.

“Nếu như được giải thích rõ ràng từ trước, dành thêm thời gian giải thích để người phải thi hánh án hiểu hơn, chủ động bán tài sản thi hành án thì không có tình trạng như vậy”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Ngoài ra, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị phía Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 cần quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan của mình.

Cần bảo vệ người mua tài sản đấu giá

Tại buổi giám sát, Phó Viện trưởng VKSND quận 5 Trần Thị Hoa nêu một điểm chồng chéo, vướng mắc trong quy định hiện nay. Đó là, khi người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, Chi cục thi hành án chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thi hành án để giao tài sản là đất và tài sản gắn liền với đất thì có yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Trong trường hợp này, Chi cục thi hành án dân sự có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao đất và tài sản gắn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá không? Nếu hoãn thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá, nếu không hoãn thì vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật THADS năm 2014. Theo bà, cần có sự sửa đổi, bổ sung luật để đảm bảo quyền lợi cho người mua đấu giá tài sản.

Tin cùng chuyên mục