Kiến nghị sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 25-2, Đoàn ĐBQH TPHCM làm việc với Công an TPHCM và Sở GTVT, khảo sát tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn TPHCM (giai đoạn từ 1-7-2013 đến 31-12-2019). Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết nhận định đây là luật quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Lực lượng chức năng triệt phá một ổ nhóm tội phạm nước ngoài ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao để lừa đảo và cờ bạc
Lực lượng chức năng triệt phá một ổ nhóm tội phạm nước ngoài ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao để lừa đảo và cờ bạc

Đau đầu với người nước ngoài vi phạm

Tại buổi khảo sát, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn - Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm người nước ngoài, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM cho biết, hiện nay số lượng người nước ngoài vi phạm hành chính ở Việt Nam (trong đó có TPHCM) có xu hướng tăng qua các năm, diễn biến phức tạp.

Với những trường hợp chờ trục xuất, hiện 2 cơ sở lưu giữ của cả nước đang quá tải. Từ đó, ông kiến nghị Bộ Công an cho phép Công an TP có một nơi tạm giữ, thậm chí cần nơi tạm giữ đặc thù cho người nước ngoài.

Việc tạm giữ người nước ngoài theo thủ tục hành chính cũng còn vướng mắc. Hiện nay, tại TPHCM có tình trạng nhiều người nước ngoài lang thang, cơ nhỡ, không xác định được nhân thân. Trong thời gian xác định quốc tịch, nhân thân, cơ quan công an phải đề xuất với trung tâm bảo trợ xã hội đưa vào tạm, nhưng các trung tâm cũng hạn chế tiếp nhận. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thành viên đoàn khảo sát cho rằng, cần lưu tâm đến vấn đề người nước ngoài vi phạm. Ở các quốc gia đều có nguyên tắc là người nước ngoài không được gây thiệt hại cho quốc gia sở tại. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đặc thù của xử lý vi phạm hành chính là phải vừa nhanh, vừa nghiêm, vừa đúng. 

Một vấn đề mới cũng được Công an TPHCM thông tin là thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng hình thức cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày tại các căn hộ chung cư cao tầng ở TPHCM để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Nhưng công an không thể xử phạt hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh, cũng không thể xử phạt hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự…

Từ đó, Công an TP kiến nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến với UBND TP xem xét, giải thích rõ việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày có phải là một trong những hành vi bị nghiêm cấm hay không và nếu có thì chế tài xử lý như thế nào.

Khó xử lý vi phạm môi trường

Các đại biểu trong đoàn khảo sát cũng đặt nhiều câu hỏi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Thượng tá Nguyễn Văn Khừ, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an TP, cho biết, hiện nay TP có khoảng 3.000 doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, xả thải ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện ở một số khu vực.

Đơn vị này cũng xác định hiện có 19 doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mà TPHCM đang sử dụng. Thượng tá Nguyễn Văn Khừ cho rằng, nên đưa các doanh nghiệp này vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong năm qua, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là hơn 30 tỷ đồng. Khoảng 70% đã đóng phạt đầy đủ, còn lại kéo dài hoặc chưa đóng. Thượng tá Nguyễn Văn Khừ kiến nghị hình thức cấm xuất cảnh những trường hợp chưa đóng phạt đầy đủ theo quyết định của UBND TP. Việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn cũng gặp khó, khi chưa có thiết bị có thể đo cụ thể một nguồn phát tiếng ồn. 

Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, trong thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đơn vị cũng gặp một số vướng mắc về thẩm quyền, về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, về trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Công an TP sẽ tổng hợp các nội dung này để góp tiếng nói với Đoàn ĐBQH TPHCM các nội dung sửa đổi luật sắp tới. 

Theo báo cáo của Công an TPHCM, trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM có 6,35 triệu vụ vi phạm hành chính, với hơn 5,46 triệu vụ đã bị xử phạt. Tình hình vi phạm hành chính chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh trật tự, vi phạm trong lĩnh vực môi trường, thương mại…

Đáng chú ý, kể từ khi Nghị định 100 quy định về các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt tiền cao, đã tác động lớn, từ đó kéo giảm đáng kể một số loại vi phạm trong lĩnh vực giao thông.

Tin cùng chuyên mục