Kiến nghị sớm có luật đăng ký tài sản để phòng chống tham nhũng

Ngày 12-1, phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trong phiên làm việc trước khi bế mạc, UBTVQH đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) trình bày báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021. 

Thu hồi tài sản tham nhũng cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước

Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ 2016-2021, VKSNDTC đã tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra. Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, cao gấp 5-10 lần so với nhiệm kỳ trước.

Kiến nghị sớm có luật đăng ký tài sản để phòng chống tham nhũng ảnh 1 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác Tòa án nhiệm kỳ 2016-2021 tại phiên họp UBTVQH, sáng 12-1-2021

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ 2016-2021, các tòa án đã thụ lý 2,4 triệu vụ việc; đã giải quyết được 2,38 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng hơn 600.000 vụ việc, đã giải quyết tăng 590.000 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

“Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”, báo cáo của Chánh án TANDTC nêu rõ.

Báo cáo do Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày cũng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Tòa cũng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật…

Bịt lỗ hổng trong thu hồi tài sản tham nhũng

Báo cáo thêm trước UBTVQH về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, trước đây, sau khi có bản án mới thực hiện và “làm được đến đâu hay đến đó”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này có một tinh thần mới trong cách làm xuất phát từ yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đó là việc này được thực hiện tích cực từ khâu điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục được tháo gỡ bằng việc ban hành các quy định hỗ trợ. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thu hồi tài sản cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí kiên trì nhắc lại đề nghị ban hành luật đăng ký tài sản nhằm góp phần phòng chống tham nhũng, cũng như nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Kiến nghị sớm có luật đăng ký tài sản để phòng chống tham nhũng ảnh 2 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo một số nội dung. Ảnh: QUOCHOI

“Hiện kê khai tài sản chỉ có cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Người tham nhũng không bao giờ đứng tên tài sản. Có người 20-30 tuổi đã đứng tên tài sản vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng. Chúng ta biết nhưng không “đụng” vào được vì liên quan quyền sở hữu của công dân”, Viện trưởng VKSNDTC trần tình và cho rằng, nếu có luật đăng ký tài sản mà người đăng ký tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì bị “thăm hỏi” ngay; có cơ sở pháp lý để xử lý và “chắc rằng khi đó không còn chỗ ẩn nấp cho tài sản tham nhũng”.

Thẩm tra các báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch. Các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan giảm mạnh. Trong nhiệm kỳ này chưa phát hiện trường hợp nào tòa án kết án oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng, không có trường hợp nào xét xử quá hạn luật định. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn… Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý về một số trường hợp tòa phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan (dao động mức 0,2%-0,6% qua các năm).

Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác (tỷ lệ án treo không đúng đến năm 2020 vẫn còn 0,3%).

Còn một số vụ án vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn gửi văn bản tố tụng cho VKSND và những người tham gia tố tụng. Hạn chế khác được đề cập là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (là 60%).

Tin cùng chuyên mục