Kiến nghị nhiều giải pháp xây dựng xã hội học tập

Báo cáo mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tính đến tháng 8-2020, toàn TPHCM có 1.329 điểm dạy ngoại ngữ, tin học, đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên và người dân ở mọi độ tuổi trên địa bàn thành phố. 

Ngoài ra, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đều được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, riêng phổ cập giáo dục bậc THCS duy trì tỷ lệ 97,78% người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS.

Toàn thành phố đã xây dựng phong trào học tập phát triển sôi nổi trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, góp phần ổn định chính trị, tăng năng suất lao động, giảm nghèo bền vững. 

Tuy nhiên, để xây dựng thành công và hiệu quả xã hội học tập, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện thống nhất chế độ, chính sách cho người phụ trách công tác kiêm nhiệm xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, TPHCM kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, quy định về trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, người sử dụng lao động trong việc phối hợp thực hiện nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động, có chế độ, chính sách khuyến khích người lao động tích cực tham gia học tập. 

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPHCM đề nghị bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, đề án cụ thể đẩy mạnh hoạt động đào tạo từ xa, tạo cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân được chuyển đổi phương thức tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục