Kiến nghị khôi phục lại ngôi mộ vợ vua Tự Đức

Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc cho rằng, chủ dự án phải khôi phục lại ngôi mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận, tức vợ vua Tự Đức ngay tại vị trí cũ.
Căng lưới B40 và dựng lều tại khu vực phát hiện huyệt mộ vợ vua Tự Đức
Căng lưới B40 và dựng lều tại khu vực phát hiện huyệt mộ vợ vua Tự Đức

Sáng 11-7, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã chính thức có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ngành chức năng đề nghị lãnh đạo tỉnh này xem xét, chỉ đạo đơn vị đầu tư khôi phục lại ngôi mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận, tức vợ vua Tự Đức ngay tại vị trí phát hiện huyệt mộ.

Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc cho biết, sau khi tìm kiếm và xác định được ngôi mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận, qua hai cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan cùng với UBND phường Thủy Xuân, TP Huế, bà con dòng tộc Nguyễn Phúc của chúng tôi thiết tha mong UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành liên quan xây dựng lại ngôi lăng của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận tại vị trí cũ mà đơn vị thi công dự án Bãi đỗ xe tham quan Lăng Tự Đức - Đồng Khánh đã san ủi trước đó.
Kiến nghị khôi phục lại ngôi mộ vợ vua Tự Đức ảnh 1 Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc  trả lời báo chí
Trong đơn kiến nghị, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc còn dẫn lời PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, về việc ông Bang khẳng định nên giữ nguyên trạng huyệt mộ bà tài nhân họ Lê và xây lại lăng mộ vợ vua Tự Đức theo quy củ của thế kỷ trước.
Ngoài ra, đơn kiến nghị cũng yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị - đơn vị đầu tư dự án Bãi đỗ xe tham quan Lăng Tự Đức- Đồng Khánh, phải bồi hoàn để làm lại ngôi mộ theo bản vẽ thiết kế phục hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, theo thỏa thuận tại biên bản cuộc họp với Thanh tra Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế vào ngày 26-6.
Kiến nghị khôi phục lại ngôi mộ vợ vua Tự Đức ảnh 2 Đơn kiến nghị khôi phục lại ngôi mộ vợ vua Tự Đức ngay tại vị trí phát hiện huyệt mộ.

Hiện Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan Lăng Tự Đức- Đồng Khánh vẫn tạm dừng thi công. Ở vị trí trung tâm dự án- nơi đã tìm thấy huyệt một bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận nay đã được con cháu dòng tộc Nguyễn Phúc xếp cao bằng gạch, đổ cát để hình thành ngôi mộ tạm và dựng tấm bia khắc dòng chữ: “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục thuận chi mộ" được tìm thấy trước đó để phục vụ việc thờ cúng.

Xung quanh ngôi mộ, chủ đầu tư dự án nói trên là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã dựng lều bằng khung nhôm, lợp mái tôn, dăng lưới sắt B40 xung quanh khu vực huyệt mộ vợ vua Tự Đức để chờ quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ở một diễn biến khác, sau khi có văn bản chỉ đạo của ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, một cuộc họp với các ngành liên quan do UBND TP. Huế chủ trì đã thống nhất: công tác đền bù giải phóng mặt bằng của dự án là đúng quy trình, quy định và do hiện còn 3 trường hợp chưa đền bù bổ sung nên Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Việc chưa nhận mặt bằng, chưa hoàn tất thủ tục thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã cho san ủi “là chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định”.

Về ngôi mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận, báo cáo dẫn tường trình của ông Đỗ Trọng Bướm (Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Thủy Xuân), cũng là đại diện các hộ dân bị giải tỏa, cho rằng: “Lăng này bỏ hoang lâu năm, thành không còn, nấm mộ không còn hiện trạng... nhìn bên ngoài cây cối bao phủ không thể phát hiện ra”.

Từ những nội dung trên, UBND TP. Huế đề xuất để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, Công ty Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị khẩn trương phối hợp với UBND phương Thủy Xuân, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế để làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc thống nhất phương án khắc phục lăng theo hướng di dời đến vị trí thích hợp; đồng thời đáp ứng yêu cầu tốt nhất về việc phục dựng lăng theo yêu cầu của các bên liên quan; phối hợp với các ngành để hoàn tất thủ tục.

Kiến nghị khôi phục lại ngôi mộ vợ vua Tự Đức ảnh 3 Ông Đỗ Trọng Bướm (Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Thủy Xuân)
Thực hư lời của nhân chứng dẫn trong báo cáo của UBND TP Huế gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, phóng viên báo SGGP đã tiếp cận và được ông Đỗ Trọng Bướm (Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Thủy Xuân) cho biết nhiều thông tin ông trình bày khác so với ý kiến nêu trong báo cáo của UBND TP Huế. 
Theo ông Bướm, gia đình ông về đây sinh sống từ năm 1990 nên rất rõ hiện trạng của phần lăng mộ bà Tài Nhân. Dù có phần xuống cấp, một số đoạn bờ tường bị sụt lún nhưng vẫn còn bờ tường thành, bia mộ và đến gần có thể nhìn thấy rõ.
Tượng tự, bà Trần Thị Sưa (74 tuổi, hộ sinh sống gần khu đất dự án) xác nhận, nhiều lần đến khu vực này trồng trọt, bà vẫn thường vào lăng trú mưa. "Khi đơn vị làm dự án san ủi khu đất, cứ tưởng họ chừa lại ngôi mộ nhưng không ngờ họ lại ủi bay hết”, bà Sưa nói.

Tin cùng chuyên mục