Kiến nghị giải pháp phát triển trường mầm non ở khu công nghiệp

Sáng 10-7, đoàn khảo sát về thực hiện chính sách giáo dục mầm non và triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 do Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh dẫn đầu đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động trông giữ trẻ tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). 
Một lớp học dành cho con công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận
Một lớp học dành cho con công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận

Bà Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết, để phục vụ nhu cầu gửi con ngoài giờ của công nhân, nhà trường đã tổ chức giữ trẻ từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu (thứ bảy nhận giữ trẻ cả ngày). Trong đó, 50% học phí giữ trẻ ngoài giờ do cha mẹ học sinh đóng góp, 50% còn lại do doanh nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của giáo viên gần 9 triệu đồng/tháng, tuy nhiên các lực lượng hỗ trợ (bảo vệ, phục vụ, cấp dưỡng…) thu nhập chưa đến 4 triệu đồng. Từ thực tế này, đơn vị kiến nghị Bộ GD-ĐT có thêm các chính sách hỗ trợ thu nhập, cải thiện đời sống. 

Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục đến làm việc với Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, với đặc thù là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, đứng thứ 2 TPHCM về tổng quy mô dân số, Bình Chánh đang đứng trước áp lực lớn về các nhu cầu an sinh xã hội, trong đó có giáo dục. Trung bình mỗi năm, toàn huyện đưa thêm vào sử dụng 5-7 trường mới ở tất cả bậc học nhưng vẫn không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. 

Đại diện Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, hiện nay các trường mầm non công lập không đủ khả năng tiếp nhận hết số trẻ trong độ tuổi mầm non nên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhiều ở khu vực này. Một số xã tập trung nhiều dân cư như xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B có tổng quy mô giáo dục mầm non ngoài công lập gấp đôi các trường công lập. Vấn đề quản lý hoạt động đối với các cơ sở ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ; đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhằm giải bài toán khó khăn đó, địa phương kiến nghị các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa đến việc cải tiến quy trình, thủ tục, thời gian thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng trường học trên địa bàn huyện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non công lập ở các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, để thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020” theo quyết định của UBND TP, địa phương đề xuất lãnh đạo các bộ, ngành nghiên cứu các biện pháp, quy định ràng buộc sự hỗ trợ của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc hỗ trợ kinh phí giữ trẻ cho con công nhân. 

Đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc phát triển hoạt động của các trường mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Nguyễn Bá Minh cho biết, Luật Giáo dục vừa được ban hành đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc phát triển giáo dục mầm non nói chung, phát triển trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chính sách thu nhập tăng thêm cho giáo viên cũng như hỗ trợ tiền ăn trưa, học phí đối với các đối tượng trẻ là con công nhân đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non. 

Tin cùng chuyên mục