Kiến nghị bổ sung các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép sử dụng tài nguyên nước

Đa số các địa phương, các bộ kiến nghị bổ sung các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép sử dụng tài nguyên nước, gồm hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ không vượt quá 0,05 triệu m3; khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác.
Kiến nghị bổ sung các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép sử dụng tài nguyên nước

Ngày 8-4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (Nghị định 201).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trước đó, Bộ TN-MT đã có công văn gửi 6 bộ và 63 địa phương về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 201. Hiện đã có 47/63 địa phương, 5/6 bộ gửi báo cáo tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 201.

Theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, đa số các địa phương, các bộ kiến nghị bổ sung các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép sử dụng tài nguyên nước, gồm hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ không vượt quá 0,05 triệu m3; khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, cấp phép (bao gồm cả nước mặt, nước biển, nước dưới đất) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, trong đó, có các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện.

Đáng lưu ý, các bộ và địa phương đều đề xuất bổ sung trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép khai thác tài nguyên nước theo hướng nhanh chóng, thuận tiện. Phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở TN-MT và UBND các huyện thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Các nội dung đề xuất sửa đổi khác bao gồm quản lý, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; quy định cụ thể thời điểm phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho phù hợp với thực tế; giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, đề xuất sửa đổi, đơn giản hóa về mẫu đơn, mẫu giấy phép, nội dung các đề án, báo cáo trong hồ sơ cấp phép tài nguyên nước tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT.

Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, dự thảo Nghị định này sẽ được trình Chính phủ tháng 11-2022.

Tin cùng chuyên mục