Kiểm tra, giám sát công tác phục vụ bầu cử: Giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở

Ngày mai, 16-4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Hội nghị tổng kết công tác giám sát bầu cử
Hội nghị tổng kết công tác giám sát bầu cử

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo công tác bầu cử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và hơn 3.100 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước. 

Theo quy định của pháp luật, trong công tác bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng như: tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử...

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, các công việc của bầu cử cũng như các công việc của MTTQ Việt Nam đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Công tác hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời.

Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực.

Kiểm tra, giám sát công tác phục vụ bầu cử: Giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát về bầu cử

Ông Ngô Sách Thực cho rằng bài học kinh nghiệm bước đầu qua việc giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.

“Lịch công tác giám sát đợt 1 vừa qua ở 16 tỉnh, thành phố của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được sắp xếp để cơ bản không trùng với lịch các Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại về bầu cử,” ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Đồng thời, ông lưu ý các địa phương cần tập trung sớm giải quyết các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không nên để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là ở những nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy ưu điểm, triển khai tốt hơn hoạt động giám sát bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời gian tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu ra những điểm khó khăn, bất cập trong triển khai các nội dung về công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kết quả giám sát cho thấy, công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, đúng luật. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử.

Do công tác bầu cử diễn ra ngay sau Đại hội Đảng các cấp, các chức danh HĐND, UBND các cấp mới được chỉ đạo kiện toàn xong, vì vậy việc tổ chức xây dựng cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 rất thuận lợi.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được giữ vững; vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tham gia cuộc bầu cử được thể hiện rõ nét. Vấn đề người tự ứng cử ở các địa phương không nhiều và được ứng xử dân chủ, bình đẳng, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm kiểm tra, giám sát, Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 9/16 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử.

Các tỉnh còn lại có đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, cụ thể:  Điện Biên 1 đơn tố cáo nặc danh; Phú Thọ, Ủy ban bầu cử cấp xã tiếp nhận 2 đơn đề nghị; Bắc Ninh, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tiếp nhận 3 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cấp huyện tiếp nhận 3 đơn khiếu nại, tố cáo; cấp xã 16 đơn khiếu nại, tố cáo; Vĩnh Phúc, Ủy ban bầu cử cấp xã tiếp nhận 7 đơn khiếu nại, tố cáo; Bình Dương, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tiếp nhận 1 đơn phản ánh; Đồng Nai, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tiếp nhận 1 đơn khiếu nại;  Đắk Nông, Ủy ban bầu cử các cấp tiếp nhận 8 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 6 trường hợp đã được cấp có thẩm quyền làm rõ nội dung tố cáo sai, tố cáo không có cơ sở, 1 trường hợp lãnh đạo cấp huyện đang thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật kết hợp với quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, 1 trường hợp lãnh đạo cấp huyện có nội dung tố cáo. Tất cả các đơn thư đang trong quá trình giải quyết.

Qua giám sát cũng nổi lên vấn đề khó khăn: một số tỉnh phát triển, có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất; dân nhập cư, người lao động và công nhân đông, gây khó khăn cho việc rà soát lập danh sách cử tri...

Bên cạnh đó, một số tỉnh có địa bàn rộng, không đồng đều trình độ dân trí, các cụm dân cư, thôn, bản xa nhau, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng sâu, biên giới, do đó công tác tuyên truyền về bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu sẽ không được thuận lợi.

Một số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có tình trạng người được giới thiệu ứng cử là thành viên Ban bầu cử cùng cấp, việc này sẽ vi phạm quy định tại Điều 27 Luật Bầu cử nếu không được rà soát, có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ở một số địa phương, danh sách giới thiệu người ứng cử trình tại các hội nghị hiệp thương chưa đảm bảo số dư theo quy định. Việc này có thể sẽ gây khó khăn về dự phòng đại biểu được bầu nếu có bất trắc xảy ra và làm cho quá trình hiệp thương phần nào mang tính hình thức.

Một số địa phương đề nghị điều chỉnh cơ cấu, thành phần sát với thời điểm hội nghị hiệp thương lần thứ ba, gây khó khăn cho quá trình tổ chức hiệp thương. Công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của một số địa phương đã triển khai và có kết quả bước đầu, tuy nhiên chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện sai sót, vẫn còn bỏ lọt những tồn tại, hạn chế nêu trên. Cá biệt có đơn vị cấp tỉnh còn chưa chủ động triển khai việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.

Dự kiến, đợt giám sát thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20-4 đến 22-5 với việc triển khai 5 Đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày mai, 16-4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV.

Tin cùng chuyên mục