Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? ​

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, cần sửa đổi lại Điều 7 Luật Kiểm toán hiện hành theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. Đây là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Sáng 11-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 32.

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? ​ ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với dự kiến chương trình đã thông báo thì chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình do các cơ quan không bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện thêm.

Đó là dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách trung ương.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015.

Mở rộng hay không mở rộng đối tượng được kiểm toán?

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, cần sửa đổi lại Điều 7 Luật Kiểm toán hiện hành theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công. Đây là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Nói một cách nôm na, Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà.

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? ​ ảnh 2 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp . Ảnh: quochoi
Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan khác, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính, đồng thời tạo điều kiện để người nộp thuế thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, kiến nghị, dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước cũng sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 14 theo hướng trao thêm thẩm quyền cho Tổng Kiểm toán Nhà nước “quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan, ra quyết định về việc phải nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước"…

Tuy nhiên, qua thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ đồng tình với 5/18 nội dung sửa đổi, bổ sung.

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? ​ ảnh 3 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi
Hai nội dung đề nghị chỉnh sửa lại, 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa đảm bảo công bằng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.

Đơn cử, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng việc bổ sung quy định thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, hồ sơ, tài liệu để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là không thực sự cần thiết, vì khoản 2 Điều 42 và Điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng cần cân nhắc rất kỹ việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước...

Trao thẩm quyền giám định tư pháp để tháo gỡ bế tắc án tham nhũng

Thảo luận về những vấn đề này, đã có nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho rằng đây là dự án Luật hiếm hoi mà quan điểm giữa cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án khác biệt nhau khá rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân vân: “Hiến pháp năm 2013 xác định, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không phải nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo sự phát triển, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Vậy có thực sự cần sửa Luật ở thời điểm này hay không?"  

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? ​ ảnh 4 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, về đối tượng được kiểm toán, 2 cơ quan soạn thảo và thẩm tra có quan điểm khác nhau. Trong khi Kiểm toán Nhà nước (cơ quan soạn thảo) cho rằng dự thảo sửa đổi bổ sung không mở rộng mà chỉ quy định cụ thể, thì cơ quan thẩm tra lại cho rằng quy định như vậy là mở rộng đơn vị được kiểm toán.

“Nếu quy định rõ hơn, cụ thể hơn đơn vị kiểm toán thì đồng ý. Còn mở rộng thì lý do là gì”, bà Lê Thị Nga băn khoăn và đề nghị 2 cơ quan ngồi lại thống nhất với nhau.

Liên quan đến quyền khiếu nại về báo cáo kiểm toán, bà Lê Thị Nga lưu ý, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính phản ánh là khi thực hiện một số kết luận kiểm toán, cơ quan thuế bị kiện ra tòa thì 10 vụ, cả 10 vụ cơ quan thuế thua (vì phải thực hiện kết luận kiểm toán, song đơn vị chấp hành chỉ có thể kiện cơ quan thuế - PV).

“Có thể chấp nhận đây là dạng khiếu nại vì Kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận xử lý của mình, nên chúng tôi ủng hộ quy định như dự thảo”, bà Lê Thị Nga nói.

Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình trao chức năng giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước trong một số trường hợp cụ thể, để góp phần tháo gỡ bế tắc trong một số vụ án về tham nhũng khi cần giám định về các nhà máy, giám định về kế toán tài chính…

Tin cùng chuyên mục