Kiểm toán nhà nước có cần thêm 700 biên chế?

Tờ trình của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu, dự kiến đến năm 2030, nhân lực của kiểm toán nhà nước (KTNN) ổn định từ 2.600-2.700 người, trong đó mỗi KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực khoảng 100-110 người.


Kiểm toán nhà nước có cần thêm 700 biên chế?

Dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 vừa được ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét tại phiên họp chiều nay, 12-8.

Sau khi được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 40, dự thảo Chiến lược trình UBTVQH lần này đã nhấn mạnh rõ hơn vai trò của KTNN với tư cách là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, phục vụ đắc lực các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách nhà nước; đảm bảo tính độc lập của KTNN trong hoạt động nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Nhất trí cơ bản với những mục tiêu tổng quát về xây dựng đội ngũ công chức KTNN, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự thảo Chiến lược – lưu ý đến mục tiêu về nguồn nhân lực của KTNN.

Tờ trình của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu, dự kiến nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600-2.700 người, trong đó mỗi KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực khoảng 100-110 người.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trước bối cảnh KTNN đang trong thời kỳ phát triển gắn với yêu cầu tiến tới kiểm toán quyết toán thường xuyên (1 năm/1 lần), gắn với mục tiêu tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán môi trường, kiểm toán trách nhiệm kinh tế người đứng đầu, thì việc tăng biên chế cho KTNN là cần thiết trong giai đoạn 10 năm tới. Tuy nhiên, cần phải kèm theo thuyết minh rõ ràng về căn cứ và định hướng tăng biên chế, không nên đưa con số cụ thể 2.600-2.700 biên chế như Dự thảo đã nêu.

Hơn nữa, hiện nay việc tăng biên chế chưa phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị trong Chiến lược chỉ nên đưa ra định hướng chung là "về biên chế của KTNN do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ".

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, với biên chế như hiện nay (khoảng 2.000 người) KTNN đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Giai đoạn tới, KTNN đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kiểm toán tại trụ sở KTNN nên không cần tăng biên chế so với hiện nay.

Về cơ cấu trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán không đồng nghĩa với việc tăng số lượng tiến sĩ, thạc sĩ, vì vậy, đề nghị cân nhắc khi đưa tỷ lệ cơ cấu này trong Chiến lược.

Trong 26 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Tin cùng chuyên mục