Kiếm tiền trên nỗi đau bệnh nhân ung thư: Bỏ lỡ cơ hội sống (Bài 2)

Thời gian qua, các bệnh viện (BV) chuyên khoa ung bướu thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân đã được điều trị ung thư bằng những thuốc hoặc những phương thức chưa được kiểm chứng như: đông dược, đắp lá cây, uống mật rắn… 
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đang thăm khám cho bệnh nhân ung thư
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đang thăm khám cho bệnh nhân ung thư

Chính những phương pháp này đã gây ra hậu quả đáng tiếc như: làm bệnh ung thư bùng phát, không thể điều trị được, hoặc gây rối loạn đông máu, thậm chí tử vong.

Đặt niềm tin nhầm chỗ

Anh Đ.T. (30 tuổi, ngụ Bình Phước) phát hiện mình bị bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm và được chỉ định phẫu thuật. Sau khoảng 6 tháng, anh T. đi tái khám thì bệnh tái phát nhưng chỉ là những hạch li ti rất nhỏ, nằm tại vị trí phẫu thuật. Anh dừng chạy chữa ở BV và chọn cách chữa bằng đông y. “Tôi tìm hiểu trên mạng, biết một bác sĩ chữa được bệnh của mình bằng đông y. Đọc hàng loạt bài chia sẻ và các comment (bình luận) thấy người ta cảm ơn quá trời nên tin tưởng mua thuốc và giao dịch qua bưu điện, tiền thuốc hơn 7 triệu đồng/tháng. Sau chừng 4 tháng dùng thuốc, mặt tôi bị phù nề, hoại tử chỏm xương đùi 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán là biến chứng do uống phải thuốc đông y bị trộn corticoid. Từ người khỏe mạnh, tôi trở thành gánh nặng cho gia đình, mất khả năng lao động”, anh T. nói trong nước mắt. 

Một trường hợp khác là chị P.T.H. (ngụ tại quận 6, TPHCM), được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, dù đã nhập viện để điều trị nhưng nghe lời đồn ở Thanh Hóa có thầy thuốc Bắc, điều trị ung thư rất giỏi nên bỏ ngang đi tìm. Sau 3 tháng, ra vô Thanh Hóa 4-5 lần, uống mấy chục thang thuốc, bệnh không thấy bớt mà còn bị xuất huyết nặng, phải trở lại BV cấp cứu. Tại đây, bác sĩ đánh giá bệnh ở giai đoạn trễ, phải hóa trị xạ trị cùng lúc. 

Còn tại BV K, bác sĩ cho biết, thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều người bệnh ung thư trong tình trạng rất nguy kịch, suy kiệt sức khỏe giai đoạn cuối, khi mà khối u đã di căn khắp nơi chỉ vì uống thuốc Nam, thuốc gia truyền, đắp lá, hay nhịn ăn để chữa ung thư. Thậm chí có những bệnh nhân khi tới BV khám được phát hiện sớm và quá trình điều trị đang tiến triển rất tốt, nhưng chỉ vì nghe lời đồn thổi, mách bảo có ông lang, bà mế chữa ung thư khỏi hẳn bằng thuốc gia truyền, liền xin ra viện, thậm chí trốn viện để tìm “thầy” chữa bệnh, nhưng sau đó, khối u chẳng những không tiêu tan mà còn to hơn và di căn vào nhiều bộ phận trong cơ thể.

Cần cảnh tỉnh

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết loại bệnh ung thư khó điều trị, tốn kém nhất khi bệnh nhân vào viện ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh ung thư cần sự phối hợp của nhiều phương pháp như mổ, xạ trị, hóa trị, thuốc sinh học… Do tâm lý sợ điều trị, sợ mổ và khó khăn về tài chính nên một số bệnh nhân tìm đến các phương pháp điều trị khác, được quảng cáo chữa khỏi ung thư trên các trang mạng xã hội. Đây hoàn toàn là những phương pháp chưa được kiểm chứng, sử dụng có thể gây biến chứng, bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị ung thư, bỏ lỡ cơ hội được cứu sống. “Bệnh ung thư là loại bệnh khó điều trị, tế bào ung thư có khả năng đột biến, gây ra tình trạng kháng điều trị. Vì thế, bất cứ một phương pháp điều trị nào, hay một loại thuốc điều trị ung thư nào, đều phải được thử nghiệm rất cẩn thận, qua nhiều giai đoạn trước khi được chấp nhận đưa vào điều trị ung thư. Bệnh nhân chẳng may bị ung thư, nên đến các cơ sở chuyên về ung bướu để được điều trị đúng mức, tránh việc điều trị tại những nơi không được cấp phép, không tin cậy để mắc phải những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn khuyến nghị. 

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, cho biết khoa học đã chứng minh, các biện pháp điều trị bệnh ung thư hiện nay chủ yếu gồm: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và các liệu pháp miễn dịch. Các biện pháp điều trị khác chỉ mang tính hỗ trợ, bệnh nhân không nên bỏ qua phương pháp điều trị chính thống. Sau điều trị, bệnh nhân nên tái khám định kỳ để phòng ngừa tái phát, di căn, cũng như có chiến lược điều trị hiệu quả nhất.

Dưới góc độ của y học cổ truyền, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, cho biết thuốc đông y có lợi thế lớn trong việc nâng cao thể trạng người bệnh và hỗ trợ điều trị ung thư. Còn đến nay, chưa có thầy lang hay bài thuốc gia truyền, bí truyền nào có thể chữa khỏi được ung thư. Thực chất, các bài thuốc mà quảng cáo chữa ung thư là các bài thuốc chữa u bướu, kết hợp các thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe và hạn chế những biến chứng, tác dụng phụ của việc điều trị bằng tây y (xạ trị, hóa trị) đối với người bị ung thư. 

Trong y khoa, corticoid được coi là độc dược xếp nhóm B. Tuy nhiên, hiện một số cơ sở thuốc đông y vẫn trộn hoạt chất này trong các loại thuốc dạng nước, dạng bột, dạng viên hoàn tán... để giảm đau nhanh, giúp ăn ngon hơn. Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm như: suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội.

Tin cùng chuyên mục