Kiếm tiền… cũng vô nghĩa

Không phải đến bây giờ mới xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do tài xế ngủ gật gây ra. Cách đây hơn 1 năm, tại tỉnh Tây Ninh, một vụ TNGT do tài xế buồn ngủ đã làm chết và bị thương hàng chục người… 

 

Thế nhưng, đi xe vào ban đêm vẫn là lựa chọn của nhiều hành khách và cố sức lái xe khi buồn ngủ cũng là quyết định của nhiều tài xế…

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tài xế đã từng thổ lộ: “Điều khiển phương tiện chạy đường dài và liên tục thì vào giữa đêm, thời gian từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, là lúc lái xe buồn ngủ nhất”. Vụ TNGT xảy ra ngày 30-7 vừa qua trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Nam cũng vào khoảng 3 giờ. Vụ va chạm khiến 10 người chết tại chỗ, 3 người tử vong trên đường đến bệnh viện… 

Hiện trường vụ TNGT thảm khốc khiến 13 người chết, 4  người bị thương.     
ẢNH: NGUYÊN KHÔI
 Biết rõ như vậy, nhưng các tài xế vì mưu sinh vẫn cầm lái. Thế nhưng, nếu mất đi mạng sống thì đồng tiền kiếm được cũng trở nên vô nghĩa. Gia đình các tài xế chắc chắn không muốn mất đi người thân yêu của mình. Gia đình và người quản lý các đơn vị vận tải hẳn rõ điều này…


Quyết định cầm lái không chỉ ở giới tài xế mà còn ở chủ các doanh nghiệp vận tải điều động phương tiện… Thế nhưng, cơ quan quản lý chuyên ngành không thể vô can. Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Thời gian làm việc của người lái ô tô không quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”. Mức phạt cho hành vi vi phạm điều này từ 3 - 5 triệu đồng. Quy định đã có và đặc biệt từ nhiều năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã buộc các phương tiện vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình, vậy lý do gì không thể ngăn chặn hiệu quả các hành vi lái xe sai luật như vậy?

Tin cùng chuyên mục