Kiểm soát nông sản theo chuỗi an toàn

Sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải cung ứng từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu.
Thực phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc được kinh doanh tại chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM
Thực phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc được kinh doanh tại chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM

Do vậy, để quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các chương trình liên kết chuỗi an toàn thực phẩm hay triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TPHCM đang gặp nhiều thách thức không nhỏ.

Quan tâm môi trường sản xuất

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, tình trạng quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung ứng vào thị trường cũng như lưu thông trên địa bàn TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại bất cập. Phổ biến nhất là tình trạng chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm đi kèm lô hàng đối với rau quả, thủy sản. Hoặc đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa có hệ thống kho để tạm giữ các lô hàng nghi ngờ trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm, dẫn đến hàng hóa bị phân tán, tiêu thụ hết trước khi có kết quả kiểm nghiệm. Mặt khác, hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên phần lớn trang thiết bị, nhà xưởng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Không dừng lại ở đó, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt tại các tỉnh, thành chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm nông dân nước ta sử dụng hàng ngàn tấn chủng loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học cho cây trồng nông nghiệp. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học là hiện tượng phổ biến ở các vùng nông thôn thâm canh trên cả nước. 

Phân tích cụ thể, các chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học qua nhiều năm đã và đang làm môi trường sinh thái như đất, nước, không khí bị ô nhiễm, kéo theo nông sản cũng bị tồn dư rất nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và vật nuôi. Vì vậy, nông nghiệp xanh cần được xác định là hướng đi quan trọng để hướng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thạc sĩ Vũ Thị Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TPHCM, cho hay hiện nay mối quan tâm của hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam chính là thu hút đầu tư nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Còn việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua cải thiện hiệu quả đầu tư sản xuất; trong đó có tính đến yếu tố môi trường vẫn chưa được phổ biến và quan tâm đúng mức. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng thương hiệu hàng Việt mà không thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ không đạt được hiệu quả như ý. Sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng ổn định, truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi giá trị, giảm lãng phí và qua nhiều khâu trung gian.

Liên kết chuỗi an toàn thực phẩm

Để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông sản thực phẩm, thủy hải sản được kiểm soát tốt từ khâu sản xuất đến lưu thông, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng… TPHCM đã và đang là một trong những địa phương tiên phong thí điểm xây dựng, vận hành “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Chính vì vậy, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong việc cung ứng, tạo nguồn hàng hóa cho thị trường TPHCM, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng cũng phải đảm bảo an toàn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm, TPHCM đã ban hành kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn”. Theo đó, đến cuối năm 2017, sản phẩm thuộc chuỗi đạt hơn 20% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn TPHCM, mở rộng các sản phẩm chuỗi mới như chuỗi sản phẩm thực vật (rau củ quả); chuỗi sản phẩm động vật (thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm); chuỗi sản phẩm thủy sản (thủy sản, nước mắm...). Đồng thời, xây dựng cơ sở kinh doanh các sản phẩm thuộc chuỗi tại hệ thống siêu thị, chợ phiên nông sản an toàn trên địa bàn TPHCM.

Ghi nhận thực tế tình hình liên kết hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại TPHCM, ban quản lý đề án chuỗi đã cấp 134 giấy chứng nhận cho các trang trại, đơn vị sản xuất, sơ chế vào 53 chuỗi cung ứng thuộc địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... với tổng sản lượng hơn 78.000 tấn/năm (chưa tính trứng gà và nước mắm). Trong đó, thịt gà 16.310,6 tấn/năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 43.166,6 tấn/năm, rau quả 16.963,5 tấn/năm, thủy sản 1.558 tấn/năm...

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết các đơn vị tham gia chuỗi đã sử dụng logo chuỗi thực phẩm an toàn trên các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm được quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn. Thông qua việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến thời điểm này TPHCM đã triển khai các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà, trứng gà... Do TPHCM đi đầu thí điểm thực hiện các đề án nên chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chủ trương thực hiện việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TPHCM là xu thế phát triển tất yếu của xã hội; do đó, cần tích cực thực hiện để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, nhất là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đã đồng hành cùng triển khai chương trình trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart.

UBND TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần kiên trì, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ để người tiêu dùng và các chủ thể tham gia vào chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của các đề án, từ đó tích cực ủng hộ và hưởng ứng tham gia, thực hiện.

Tin cùng chuyên mục