Kiểm soát dịch và 5 trọng tâm

Hai giai đoạn của 30 ngày sắp tới là thời kỳ quyết định phòng chống dịch của TPHCM. Hơn 80 ngày giãn cách xã hội với những mức độ khác nhau, các thành quả thành phố đạt được ghi dấu ấn trong việc kiềm chế các ca lây nhiễm tăng cao, hình thành một hệ thống điều trị tương thích với tình hình, độ phủ vaccine tăng tốc nhanh chóng trong 2 tuần trở lại đây và thiết lập được một mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp thành phố - dù chỉ mới ở giai đoạn ban đầu.

Tuy vậy, để kiểm soát được dịch còn nhiều vấn đề phải xử lý, tập trung vào 5 trọng tâm mang tính quyết định. 

Thứ nhất, giãn cách xã hội là một biện pháp quan trọng tuy vậy mức độ thực thi ở các khu vực, quận huyện trong thành phố còn khác nhau. Dựa trên số ca F0 và độ phủ vaccine, một số quận huyện đang được chọn làm địa phương điểm trong việc kiềm chế dịch. Quận Phú Nhuận, quận 7 hay huyện Cần Giờ là những “vùng xanh” quan trọng trong 2 tuần tới, nếu giữ được có thể nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ngược lại cần phải tính toán đưa một số quận huyện có nhiều khu phong tỏa, khu vực nguy cơ cao, độ phủ vaccine còn thấp vào dạng “kiểm soát đặc biệt”. Trong 2 tuần tới cũng cần đặt ra tiêu chí “kiềm chế” cho các quận huyện này và nếu không đạt thì xử lý như thế nào.

Thứ hai, mô hình điều trị đang được thu gọn lại còn 3 tầng. Trong đó, các tầng cao đã được sự viện trợ mạnh mẽ từ các “đội quân chủ lực” trung ương. Trong 2 tuần tới, cần nhanh chóng thúc đẩy nhanh hệ thống chăm sóc sức khỏe tại cơ sở và cộng đồng. Tinh thần, chữa từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở - cộng đồng, sẽ giảm tải cho các tầng trên, kiềm chế nguy cơ tử vong. Quan trọng không kém, hệ thống cơ sở đó (như trạm y tế phường, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa công lập và tư nhân) ít nhiều đã có sẵn, giờ không cần phải tốn nhiều nguồn lực xây mới, chỉ cần có cơ chế kích hoạt và bổ sung một số trang thiết bị cần thiết, tái sắp xếp nguồn nhân lực đang còn phân bố theo chiến lược trong giai đoạn cũ. 

Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng tại TPHCM đang trong giai đoạn mở hết công suất. Thành phố đã sử dụng nhiều phương thức để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Kết quả là trong những ngày gần nhất, tốc độ tiêm trung bình liên tục tăng, ngày cao nhất đạt 297.301 liều. Trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9, thành phố có thể chia chiến dịch tiêm chủng thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (từ 15-8 đến 31-8), mục tiêu là hoàn thành tiêm mũi 1 cho 70%-80% số dân trong diện tiêm chủng. Ở giai đoạn 2 (từ 1-9 đến 15-9), mục tiêu là phủ vaccine mũi 1 cho 90%- 95% và mũi 2 cho 50% dân số trên 18 tuổi. 

Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân sẽ đóng góp rất lớn cho công tác kiểm soát dịch, đặc biệt là với dòng người đang vì lý do mưu sinh, bất chấp mọi hiểm nguy, rời khỏi thành phố. TPHCM đã, đang và sẽ cùng các địa phương phối hợp tổ chức đưa bà con về quê một cách hệ thống và bài bản. Với bà con ở lại, thành phố sẽ ưu tiên tiêm chủng để tạo an toàn và an dân. Và với sự hình thành của Trung tâm Tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 (từ cấp thành phố đến quận huyện), cần đẩy nhanh tiến độ cấp phát ở quy mô toàn thành để đảm bảo lương thực, thực phẩm đầy đủ trong một tuần kế tiếp. 

Cuối cùng, mục tiêu kiểm soát dịch của thành phố sẽ không bền vững nếu các tỉnh lân cận còn trong tình hình nguy cơ. Trong đó, Bình Dương và Long An đang trở thành 2 “vùng đỏ” mới. Nghị quyết của Chính phủ đưa ra yêu cầu kiểm soát được dịch trước đối với Long An, Đồng Nai và Bình Dương cần kiểm soát dịch trước ngày 1-9. Trong các chiến lược, tính toán của thành phố cần phải có dự phòng cho những tình huống khác nhau về vành đai bao phủ xung quanh này. 

Tin cùng chuyên mục